Mô hình bác sĩ gia đình chưa được tham gia bảo hiểm y tế

(VOH) - Tại TPHCM, sáng 4/8, Bộ Y tế sơ kết đề án thí điểm 2 năm Bác sĩ gia đình và xây dựng đề án nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 – 2020.

Bắt đầu từ dự án phát triển đào tạo bác sĩ gia đình tại Việt Nam từ năm 1998 và triển khai đào tạo chuyên khoa cấp 1 Y học gia đình vào năm 2002, đến nay, theo thống kê của Bộ Y tế, tại các tỉnh, thành như Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Khánh Hòa, Tiền Giang và  TPHCM đã thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình.

Sau 2 năm thực hiện, các tỉnh, thành nỗ lực đưa hệ thống bác sĩ gia đình vào gắn kết y tế cơ sở thực hiện y tế gần dân, gắn với dân. Tuy vậy, do mới đưa vào thí điểm nên nguồn nhân lực chuyên môn y học gia đình vẫn thiếu, phòng khám tư nhân bác sĩ gia đình rất khó tham gia bảo hiểm y tế, chưa thống nhất mẫu bệnh án điện tử, nhiều phòng khám bác sĩ gia đình chưa chuyên biệt, còn lồng ghép chung với các hoạt động tại trạm y tế …

Bộ trưởng Y tế kiểm tra mô hình bác sĩ gia đình - Ảnh: PLO.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, đề án cần phát huy đội ngũ tham gia là những người rất tâm huyết. Nhu cầu trong người dân khá lớn nhất là ở các đô thị, thành phố lớn, tại các trường Y đều có bộ môn y học gia đình... Tuy vậy, theo Bộ trưởng, đến nay trong hệ thống y tế vẫn chưa định hình rõ mô hình bác sĩ gia đình, chưa quản lý hồ sơ bệnh án liên thông giữa các tuyến và có nhiều trở ngại khi tham gia BHYT: “Quản lý bệnh nhân, quản lý gia đình bệnh nhân là cái yếu nhất vì chưa có nguồn lực, chưa nối được với tuyến sẽ phải chuyển viện vì người tham gia bác sĩ gia đình được quyền chuyển viện và khi chuyển lên trên nguyên tắc phải có cán bộ y tế đón... hệ thống chuyển viện về bác sĩ gia đình vẫn chưa làm được . Bên cạnh đó, cái khó là tài chính, thanh toán BHYT thế nào ? giá dịch vụ thế nào ?”.