Chờ...

Mỗi công dân TPHCM phấn đấu lập thành tích để xứng danh là công dân thành phố Bác Hồ

(VOH) - Nhìn lại hành trình 110 năm đi tìm chân lý giải phóng dân tộc của Bác Hồ để thấy thêm tự hào, thêm thôi thúc mỗi người không ngừng phấn đấu, cống hiến cho tổ quốc.

Hôm nay 5/6, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kỷ niệm trọng thể 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021).  

Ngày 5/6/1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên chiếc tàu mang tên Amiral Latouche-Tréville bắt đầu cuộc hành trình đi ra thế giới tìm con đư­ờng mới để cứu nư­ớc.

 Tàu Admiral Latouche Tréville, nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước tháng 6-1911.
Tàu Admiral Latouche Tréville, nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước tháng 6/1911.

Gần 30 năm từ lúc ra đi, ngày 28/1/1941, Người đã trở về lãnh đạo cách mạng, đưa dân tộc vùng lên, phá ách nô lệ thực dân phong kiến, dẫn dắt nhân dân đấu tranh chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Nguyễn Tất Thành, sau này đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả, mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành một chiến sỹ cộng sản quốc tế, nhà hoạt động tích cực, sôi nổi truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam.

Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cả dân tộc ta vùng lên giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945  lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chân lý của Người đã trở thành hiện thực, đất nước Việt Nam đã có vị thế nhất định, vững bước trên con đường phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nhân sự kiện ý nghĩa này, ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH), nguyên Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên báo cáo viên triển khai các chuyên đề học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chia sẻ về những câu chuyện tâm đắc qua nhiều năm qua khi tìm hiểu, nghiên cứu về Bác.

Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh - VOH
Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa ông, là một báo cáo viên, từng tiếp xúc và đọc qua nhiều giai đoạn lịch sử về Bác, ông có thể chia sẻ điều gì về Bác trong dịp cả nước đang kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước?

Ông Lê Công Đồng: Ngày này, 110 năm trước Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước tại Bến nhà rồng thành phố của chúng ta. Đi qua năm châu bốn bể, trải qua 10 năm trải nghiệm, Bác đã tiếp cận được luận cương vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin và người đã nhìn thấy ánh sáng cho cách mạng Việt Nam.

Người đã xác định chỉ có chủ nghĩa Mác-Ănghen và con đường thực tiễn mà Lênin đã hiện thực hóa ở nước Nga lúc bấy giờ sẽ là con đường hiện thực để đem lại độc lập, ấm no cho dân tộc Việt Nam.

Với chân lý đó, Bác lại cẩn trọng, tiếp tục trải nghiệm thêm 10 năm nữa. Bác đã đến nước Nga để nhìn thấy hình ảnh của một thế giới mới. Bác đã vào học lý luận Mác –Lênin ở trường đại học Phương Đông để trang bị cho mình vốn kiến thức bài bản nhất, căn cơ nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bác đã xây dựng một cơ quan ngôn luận để tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Mác –Lênin đó là tờ báo thanh niên.

Tất cả hoạt động tích cực, kiên trì bền bỉ đó, để 10 năm sau một Đảng cộng sản Việt Nam chính thức ra đời. Tổ chức cách mạng chân chính đó đã đại diện cho nhân dân để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh với thực dân Pháp tìm con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Phải thêm 10 năm nữa, đến năm 1941, Bác Hồ mới trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam để chuẩn bị mọi thời cơ cho việc tổng khởi nghĩa giành chính quyền và điều đó đã trở thành hiện thực.

Khi cách mạng tháng 8 nổ ra và đất nước ta lần đầu tiên sau 80 năm đã có độc lập, nhân dân của chúng ta đã có tự do sau đêm dài nô lệ.

*VOH: Với kết quả của hành trình ra đi tìm đường cứu nước, ông nhận thấy những kiến thức, kinh nghiệm mà Bác đã vận dụng vào cách mạng Việt Nam như thế nào từ ngày đầu cho đến ngày đất nước thống nhất.

Ông Lê Công Đồng: Mỗi một chặng đường đi 10 năm, Bác đã đóng góp cho lịch sử đất nước của chúng ta, đã đóng góp cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và phải nói thêm từ những năm 1945, Bác lại cùng với Đảng tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.

Chặng đường 10 năm tiếp theo này lại ghi thêm 1 dấu ấn lịch sử cho cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Bác Hồ đó là “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Trong suốt 45 năm qua, Đảng và nhân dân Việt Nam ta đã kiên trì, bền bỉ xây dựng đất nước, những thành tựu của cách mạng Việt Nam đã và đang đưa đất nước vào một vị thế mới. Đời sống của nhân dân và đất nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua.

*VOH: Như những gì ông đang chia sẻ, chúng ta có thể nhìn thấy điều đó rất rõ qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua khi Việt Nam ở vào top 40 của những nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong khối Asean. Dịp này, ông có thể kể vài mẩu chuyện thú vị về Bác, về tư tưởng của Bác hoặc những kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Bác.

Ông Lê Công Đồng: Suốt quãng thời gian tôi làm báo cáo viên và có nhiều buổi tôi trình bày về tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh, những mẫu chuyện, giai thoại về tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh giúp tôi rút ra được nhiều việc hết sức thấm thía.

Ví dụ như mẫu chuyện từ đại sứ Hà Văn Lâu, có lần được gặp Bác Hồ, hết sức bộc bạch, đại sứ đã từng hỏi Bác, “Bác ơi! Sao cuộc kháng chiến của chúng ta còn dài quá vậy”. Trầm ngâm một lúc Bác mới nói rằng: “Bởi vì chú là Lâu mà! ”.

Để trang bị, cũng như quán triệt tư tưởng cho những người gần gũi nhất, toàn đội cận vệ của Bác, Bác đặt cho mỗi 1 người 1 tên khác nhau trong kháng chiến nhưng ráp lại hết sức vần và hết sức ý nghĩa đó là các tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

Chúng ta đã trường kỳ kháng chiến trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ với sức, nội lực của chúng ta và đã đi đến thắng lợi.

*VOH: 110 năm Bác tìm ra chân lý và đã hơn 50 năm Bác tạm biệt chúng ta, vậy TPHCM phải làm gì, điều gì mà chúng ta sẽ hứa với Bác, điều gì chúng ta sẽ làm theo Bác để thiết thực kỷ niệm 110 ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước.

Ông Lê Công Đồng: Hiện nay cả nước đang bước vào quá trình thực hiện nghị quyết đại hội 13, chúng ta đã có 15 năm thực hiện cuộc vận động, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cho đến nay là tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi một người chúng ta đã tự ý thức được việc phải làm sao nỗ lực hơ, vượt lên chính mình, mỗi người làm được 1 việc, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Với thành phố của chúng ta, được vinh dự mang tên Thành phố Hồ Chí Minh, trong 45 năm qua chúng ta luôn luôn tự hào là đầu tàu của cả nước. Chúng ta luôn luôn có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trên nền tảng thế và lực của thành phố. Trong mọi lĩnh vực chúng ta đều phấn đấu đi đầu.

Hôm nay, trong không khí toàn thành phố nỗ lực thi đua 45 năm thành phố Sài Gòn chính thức được mang tên thành phố Hồ Chí Minh, mỗi người chúng ta lại một lần nữa ý thức và tự hào là công dân thành phố.

Mỗi công dân chúng ta phấn đấu thi đua, phấn đấu lập thành tích để xứng danh là công dân thành phố Bác Hồ, thành phố anh hùng, thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Cảm ơn ông.