Mong lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu

(VOH) - Những ngày này, râm ran trong câu chuyện của công nhân sau giờ tan ca là vấn đề tiền lương tối thiểu.

Họ quan tâm và theo dõi thông tin từ báo đài, từ tổ chức Công đoàn tại nơi làm việc về các cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia. Cảm xúc của họ có niềm vui xen lẫn lo lắng. Vui vì sang năm 2016 tiền lương tối thiểu sẽ tăng. Lo lắng vì các phương án điều chỉnh lương tối thiểu còn tranh cãi giữa những người thực hiện chính sách, chưa có 1 phương án cuối cùng.

Để có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng, người lao động mà nhất là công nhân làm việc tại các KCX-KCN phải chấp nhận làm thêm giờ, tăng ca liên tục không có ngày nghỉ. Với số tiền ấy, họ đã phải chi tiêu rất dè sẻn vì gồng gánh nhiều chi phí sinh hoạt. Công nhân Nguyễn Thị Thu – làm trong công ty may ở quận 12 cho biết: “Lương rất thấp mà cuộc sống hiện tại thì mọi nhu cầu chi tiêu rất cao. Tụi em sống vất vả, với chi phí gia đình, con còn nhỏ, em lại đi học nên đời sống rất là chật vật”.

Một bữa cơm đạm bạc của công nhân - Ảnh: NLĐ.

Theo khảo sát của tổ chức Công đoàn, hơn 30% người lao động không đủ chi tiêu và không thể dành dụm được, nhất là công nhân có gia đình và đang nuôi con nhỏ. Công nhân Phan Thị Liên - đang làm trong KCN Vĩnh Lộc bày tỏ: “Lương cơ bản chỉ có hơn 3 triệu thôi, mà gửi tiền học cho con từ 1 triệu đến 1,1 triệu, chiếm 40% lương cơ bản, đó là chưa kể tiền sữa nữa. Mỗi khi lãnh lương ra, đóng tiền học, tiền tã, sữa là đã hết rồi. Có một mong muốn là lương cơ bản có thể nhiều hơn  một chút để đủ tiền trang trải, đóng tiền học cho con”.

Mong lương đủ sống là yêu cầu chính đáng của người lao động. Song, tiền lương tối thiểu được trả cho người lao động hiện chỉ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu sống tối thiểu. Theo khảo sát của tổ chức Công đoàn, mức lương tối thiểu phải đạt 4,5 triệu đồng theo thời giá hiện nay thì mới cơ bản đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, nhưng mức lương tối thiểu vùng cao nhất hiện nay còn "hụt" đến 25% nhu cầu sống tối thiểu. Đây là khoảng cách khá xa !

Cuộc sống của người lao động đang rất khó khăn - Ảnh: Vietbao.

Theo điều 90 và 91 của Luật Lao động năm 2012, tiền lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu và từng bước nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động. Mức sống tối thiểu của một người lao động không chỉ là để ăn đủ, ăn no mà vừa phải bảo đảm đủ mua một giỏ hàng lương thực thực phẩm cần thiết vừa phải  đủ cho một giỏ hàng khác phi thực phẩm, nghĩa là ở, mặc, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đi lại, quan hệ xã hội, hỗ trợ cha mẹ già, tiết kiệm. Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: “Hãy xuống với công nhân lao động, hãy nghe công nhân lao động và hãy xem thực tế cuộc sống của họ như thế nào để có những quyết định đúng với thực tế. Tôi chỉ yêu cầu tiền lương tối thiểu phải bằng với mức sống tối thiểu thì từ đó tổ chức Công đoàn mới có cơ sở để vận động chủ doanh nghiệp trả lương cao hơn cho người lao động”.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, doanh nghiệp và ngành chức năng phải coi tiền lương là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động và sớm thực hiện quy định về tiền lương theo Điều 90 và 91 của Luật Lao động 2012 để người lao động sống bằng mức sống tối thiểu: "Không bao giờ có chuyện tiền lương cứ giữ ở mức như vậy mà năng suất lao động lại tăng lên, kinh tế phát triển, xã hội tăng lên được. Có một điều rất quan trọng, phải lưu ý là tiền lương danh nghĩa tăng lên mà tiền lương thực tế giảm đi thì việc tăng lương  không có ý nghĩa”.

Và cuối câu chuyện của người lao động chính là mong lương đủ sống để bớt tăng ca, để có thời gian nghỉ ngơi tái tạo lại sức lao động, để có thể dành dụm tích lũy cho tương lai.