Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ đêm 2/9 đến 3/9, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… tiếp tục có mưa rất lớn do hội tụ gió trên cao kết hợp áp thấp gây ra. Lượng mưa đo được tại các điểm như Tam Đường (Lai Châu) 121mm, Kim Bôi (Hòa Bình) 104mm, Lào Cai 111mm, Hàm Yên (Tuyên Quang) 116mm, Bãi Cháy (Quảng Ninh) 123mm, Hà Đông (Hà Nội) 74mm…
Trong ngày 3/9, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia liên tục phát tin cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa… và lũ trên các sông lên cao do mưa lũ vẫn tiếp diễn. Theo dự báo, thời tiết xấu kèm mưa lũ vẫn tiếp diễn trong những ngày tới.
Bộ đội giúp người dân khắc phục hậu quả mưa, lũ kéo dài. Hình: SGGPO
Theo báo cáo nhanh từ các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ trong những ngày qua đã làm 13 người thiệt mạng (Sơn La 1 người, Yên Bái 1 người, Lạng Sơn 1 người, Hòa Bình 1 người, Thanh Hóa 9 người) và 3 người mất tích tại Thanh Hóa.
Còn theo thông tin bổ sung từ tỉnh Lai Châu, do mưa lớn kéo dài từ chiều 2-9 đến trưa 3-9, tại huyện Phong Thổ và Mường Tè đã xảy ra sạt lở, lũ ống làm 3 người thiệt mạng và mất tích.
Một trường học ở Mường Lát (Thanh Hóa) sau cơn lũ. Hình: VNE
Tính đến hôm qua, hàng trăm người dân bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) sau nhiều ngày bị lũ cô lập, chia cắt đã được lực lượng bộ đội Biên phòng đưa qua dòng nước xiết về tập trung tại đồn Biên phòng.
Đợt mưa lũ vừa qua khiến toàn bộ 9 xã, thị trấn của huyện Mường Lát đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thống kê sơ bộ đến chiều ngày 3/9, toàn huyện có 105 nhà dân bị sập hoàn toàn, hàng trăm nhà khác bị ảnh hưởng, hư hỏng. Sau 5 ngày mất hoàn toàn liên lạc với miền xuôi, hôm nay (3/9) hệ thống thông tin đến huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hoá) đã được khôi phục song chập chờn
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lũ tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang lên nhanh nhưng chưa đạt đỉnh. Tính đến nay, diện tích lúa hè thu đã gieo trồng tại các tỉnh ở ĐBSCL là 1.601.188ha, trong đó đã thu hoạch được 64%. Diện tích lúa chưa thu hoạch là 572.204ha, hầu hết đều nằm trong vùng an toàn, ngoại trừ 137.400ha thuộc vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng của nước lũ thuộc 4 tỉnh: Long An, An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Về diện tích lúa thu đông, theo Cục Trồng trọt, đến nay các tỉnh ở ĐBSCL đã gieo được 462.276ha, đạt 62% kế hoạch. Trong đó, diện tích có thể bị ảnh hưởng của lũ là 43.028ha thuộc 4 tỉnh: Long An: 4.410ha; An Giang: 14.636ha; Đồng Tháp: 7.386ha; Kiên Giang: 16.596ha. Tính đến ngày 31-8, đã có khoảng 1.000ha lúa nằm ngoài vùng đê bao, bờ bao bảo vệ ở ĐBSCL bị thiệt hại (các diện tích này đều gieo cấy ngoài kế hoạch).