Mưa lũ miền Trung: Hàng ngàn nhà dân ngập sâu, nhiều nơi bị cô lập

(VOH) –  Mưa lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định những ngày gần đây làm nhiều khu vực bị cô lập; hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu trong nước; hơn 66.000 học sinh không thể đến trường.

Sáng 30/11, Văn phòng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, cho biết, mưa lũ đã làm một người chết. Nạn nhân là bà Đinh Thị Đát (SN 1956, ở thôn 3 xã An Dũng, huyện An Lão) đi làm rẫy qua vùng nước chảy xiết bị nước cuốn trôi.

Mưa lớn trong các ngày qua làm nước dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng ở 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát và TX An Nhơn, Bình Định hiện đỉnh lũ gần tương đương trận lũ lịch sử năm 2016.

Tại các xã nằm ven đê Đông tiếp giáp đầm Thị Nại, cuối nguồn sông Côn và sông Hà Thanh, gồm xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), Cát Chánh (huyện Phù Cát), nhiều nhà dân ngập sâu hơn 1m, chính quyền địa phương cho di dời dân ở những nhà ngập sâu lên trú tạm ở những nhà cao hơn và bố trí ghe máy sẵn sàng di dời các hộ ở vùng nguy cơ cao lên ở tại các nhà văn hóa thôn và trường học an toàn.

Tại xã Phước Thắng có 1.121 nhà dân bị ngập từ 0,3-1m. Tại xã Phước Thuận, đến sáng 30/11, trên địa bàn xã đã có 6 thôn ven đầm Thị Nại bị nước lũ cô lập, gồm các thôn Phổ Trạch, Quảng Vân, Diêm Vân, Bình Thái, Nhân Ân và Lộc Hạ. Hiện cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chính quyền địa phương đang cử lực lượng sử dụng ghe, xuồng và ca nô tiếp cận các khu vực này để kiểm tra và sẵn triển khai phương án di dời dân đến nơi an toàn nếu nước lũ tiếp tục dâng cao.

Tại xã Phước Hòa nước lũ đã làm chia cắt cục bộ các khu dân cư trên địa bàn thôn Tân Mỹ, Hữu Thành, Kim Xuyên, Kim Tây, Tùng Giản và Tân Giản. Ngoài ra còn có 2 thôn bị cô lập hoàn toàn là Huỳnh Giản Nam và Huỳnh Giản Bắc.

Còn ở xã Cát Chánh có 620 nhà dân bị ngập nước, trụ sở UBND xã ngập 0,3m, địa phương đã sử dụng ghe máy đến các vùng ngập sâu động viên các hộ có nhà xây cao cho các hộ nhà ngập ở tạm nên hiện chưa di dời trường hợp nào. Xã cũng chuẩn bị lương thực để hỗ trợ người dân nếu ngập lụt kéo dài.

Hàng ngàn nhà dân ngập sâu, nhiều nơi bị cô lập 1

Các chiến sĩ Biên phòng Bình Định giúp người dân ra khỏi khu vực bị lũ cô lập.

Sáng 30/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định chỉ đạo các đồn biên phòng huy động hơn 40 cán bộ, chiến sĩ và 2 ca nô phối hợp với lực lượng của Đoàn thanh niên, Quân sự, Công an và dân quân trên địa bàn các xã bị cô lập, tổ chức di dời, cấp phát lương thực, thực phẩm cho hơn 60 hộ dân tại thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.

Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tiến hành rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ đề phòng ngập lụt và khi lũ chia cắt…

TX An Nhơn, Bình Định thống kê cho biết có hơn 2.370 nhà dân bị ngập lụt; trong đó ngập từ 0,5 - 0,8m có 370 nhà. Các khu vực bị ngập lụt tập trung chủ yếu ở phường Nhơn Hòa, Bình Định, Nhơn Hưng, Đập Đá và các xã như Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Thọ…

Rất nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn cũng bị ngập sâu, làm chia cắt cục bộ khoảng 3.000 hộ dân. UBND thị xã đã chỉ đạo lực lượng xung kích các xã, phường di dời tại chỗ 137 hộ/278 người dân (chủ yếu người già, trẻ em, phụ nữ mang thai…) ở khu vực xung yếu đến nơi an toàn.

Đặc biệt, một số đoạn trên tuyến đường tránh QL1A qua TX An Nhơn bị ngập sâu; nặng nhất là từ Km 1203 - Km 1204 đoạn cuối tuyến tránh An Nhơn, nước ngập hết qua đường dài hàng kilômét. trong đó, tại Km 1203 nước ngập sâu gần 1m khiến giao thông bị chia cắt, phương tiện không thể lưu thông qua lại được.

Thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho hay, đến sáng 30/11, hơn 66.000 học sinh của tỉnh không thể đến trường do mưa lũ diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương tiếp tục cho học sinh nghỉ học trực tiếp để đảm bảo an toàn.

Trong đó, khối các trường mầm non, tiểu học, THCS, có 56.426 học sinh dừng đến trường.

Cụ thể, huyện Phù Cát có 18.826 học sinh trên địa bàn các xã Cát Chánh, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Hải, Cát Khánh, Cát Minh, Cát Tài, Cát Sơn, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Thành và thị trấn Cát Tiến.

Huyện Tuy Phước có 26.252 học sinh thuộc thị trấn Diêu Trì và các xã Phước Nghĩa, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hưng, Phước Hiệp.

TX Hoài Nhơn có 3.700 học sinh thuộc các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Phú, Hoài Sơn.

Huyện Hoài Ân có 2.972 học sinh không thể đến trường thuộc các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín, Ân Mỹ.

Huyện Tây Sơn có 2.676 học sinh ở các xã Bình Hòa, Tây Vinh, Tây Bình, Bình Nghi, Tây Xuân.

TP Quy Nhơn có khoảng 2.000 học sinh thuộc xã Phước Mỹ, các phường: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú.

Khối trường THPT, đến sáng 30/11 đã có 6 trường với gần 10.000 học sinh không thể đến trường, phải tổ chức dạy học trực tuyến, gồm: THPT số 2 Tuy Phước, THPT số 3 Tuy Phước, THPT Nguyễn Diêu, THPT số 3 Phù Cát, THPT Nguyễn Du, THPT Võ Giữ.Tại Phú Yên, mưa lớn từ chiều tối 29/11 đến sáng 30/11, gây sạt lở dốc Ruộng của xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), đất đá tràn xuống đường khối lượng lớn, người dân không đi lại được.

Trên tuyến ĐT642 từ huyện Đồng Xuân đi TX Sông Cầu nước ngập sâu gần 1m tại cầu Cây Sung (xã Xuân Sơn Bắc). Nhiều hộ dân sinh sống tại xã Xuân Sơn Bắc và Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) bị cô lập không thể di chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ. Các hộ dân ở khu vực các xã An Định, An Nghiệp (huyện Tuy An) cũng bị cô lập hoàn toàn.

Dự kiến có khoảng 300 hộ với hơn 900 nhân khẩu ở các xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Xuân Sơn Bắc và Xuân Sơn Nam phải di dời.

Dự báo từ nay đến ngày 1/12, trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh ở mức xấp xỉ BĐII; các sông Ba, Bàn Thạch, Kỳ Lộ dao động ở mức báo động II-III.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đề nghị các sở, ban ngành và các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh kịp thời;

Kiểm tra, rà soát những khu vực thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt, lũ quét, nguy cơ sạt lở đất và chủ động phương án di dời sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn và đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực sơ tán dân tập trung.

Các địa phương cần tổ chức lực lượng để canh gác, kiểm soát chặt chẽ, cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ và các khu vực bị sạt lở; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước ngập lụt, vớt củi trên các sông, suối.

Các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước. Công tác vận hành các hồ chứa phải đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đến 6 giờ sáng 30/11, mưa lớn đã gây sạt lở tại một số địa phương như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn.

Chính quyền huyện Nam Trà My, Bắc Trà My đã sơ tán tổng cộng 53 hộ với 211 khẩu, trong đó Nam Trà My 5 hộ với 21 khẩu, Bắc Trà My 48 hộ với 190 khẩu.

Ngoài ra, một số tuyến giao thông bị sạt lở, gây ách tắc; một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở, bồi lấp.

Tại Phước Sơn, sạt lở tại khu dân cư thôn 2 xã Phước Thành, ảnh hưởng đến 6 hộ dân và làm 2 trụ điện có nguy cơ gãy đổ.

Hiện có 16/17 hồ chứa vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý đã tích đầy nước; hồ Phú Ninh tích hơn 96,2%.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã có Công điện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương thông tin kịp thời đến nhân dân biết về tình hình mưa lũ, công tác vận hành, điều tiết các hồ thủy điện để chủ động các biện pháp ứng phó.

Công điện cũng nêu rõ, thông báo thuyền trưởng, chủ phương tiện tàu thuyền biết về thông tin thời tiết nguy hiểm trên biển. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.

Đặc biệt, chủ đập thủy điện Sông Tranh 2 và Đắc Mi 4 tăng cường theo dõi diễn biến lũ về hồ, tổ chức vận hành, điều tiết giảm lũ cho hạ du và chuyển chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo đúng quy định./.