Mưa lũ sau bão số 3 làm 8 người chết ,13 người mất tích

(VOH) - Đã có 8 người chết, 13 người mất tích. Ngoài ra, bão số 3 còn gây ra các thiệt hại khác về giao thông, đề điều, sản xuất nông nghiệp…

Báo cáo đến 18 giờ ngày 5-8 từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, đã xác định có 8 người chết do mưa lũ sau bão số 3.

cây đổ

Cây đổ ở đường Hữu Nghị, thành phố Móng Cái. Ảnh TPO

Tại miền Bắc một số tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão lũ, mưa to gây ra gồm: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Sơn La, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nghệ An và Thanh Hóa…Ghi nhận ban đầu một số địa phương đã có người chết: Thanh Hóa 3 người (Mường Lát: 02 người, Quan Sơn: 01 người); Bắc Cạn 1 người; Điện Biên 1 người… Số người mất tích: 13 người, trong đó: tại Thanh Hóa 12 người (huyện Quan Sơn: 11 người, huyện Mường Lát: 01 người) và Điện Biên: 01 người

Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, công tác cứu hộ, cứu trợ các bản bị cô lập ở Thanh Hoá vẫn đang được khẩn trương tiến hành. Lực lượng Quân khu 4 và Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục ứng trực tại các sông suối để hy vọng có thể nhanh chóng tìm thấy các nạn nhân mất tích.  

Hiện trên khu vực tỉnh Lai Châu, Hòa Bình vẫn  còn có mưa vừa, có nơi mưa to. Trong những  giờ tới, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các địa phương này.

Tại Bắc Kạn, sạt lở trên Quốc lộ 3 đoạn qua xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới khiến giao thông bị ngừng trệ nhiều giờ. Hiện tuyến này đã thông nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở cao nếu trời tiếp tục mưa.

Tại Điện Biên, trên Quốc lộ 12 nối hai tỉnh Điện Biên - Lai Châu cũng xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, gây cản trở cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Mưa lũ tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa)

Mưa lũ tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) sáng ngày 3.8. Ảnh: LĐO.

Tại tỉnh Hưng Yên, mưa lũ đã gây sự cố sạt lở chân mái đê phía hạ lưu đê tả Hồng (do mưa lớn nên đường ống thoát nước tại chân đê phía đồng đã bị nứt vỡ, gây sạt mái đê). Tại Hà Nội xảy ra 2 sự cố đê điều trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Tại tỉnh Thanh Hóa xảy ra sự cố sạt lở kè Hàm Rồng đoạn từ Km39+550 đến Km39+630 đê hữu sông Mã. Chiều dài sạt lở 80m, hiện đã lấn vào mái kè. 

Tại phía Nam, thiệt hại do ảnh hưởng mưa, dông lốc và triều cường do gió mùa Tây Nam cũng  ảnh hưởng không nhỏ. Tại các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng,… thiệt hại do dông, lốc và gió mùa Tây Nam làm hơn 590 nhà bị sập, tốc mái; hơn 377 cây ăn trái bị ngã, đổ và sạt lở bờ sông, bờ biển tại Sóc Trăng, Cà Mau.

Tại Cà Mau đã sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau: do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam kết hợp triều cường làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3-0,4m, trong đó nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tĩnh – Kinh Mới dài 12,5km; đoạn kè Đá Bạc – Kinh Mới dài 356m bị sạt lở nghiêm trọng với 02 điểm dài 7m sạt lở vào đến phần mặt đường bê tông.

Ngoài ra, có 04 điểm sạt lở với chiều dài 2.045m nằm trên tuyến đê từ Ba Tĩnh đến Tiều Dừa và 01 điểm thuộc bờ Nam sông Đốc với chiều dài 86m bị sạt lở nguy hiểm. UBND và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh huy động lực lượng xử lý, hộ đê bằng bao tải đất, đá và cừ tràm.

Tin từ UBND tỉnh Cà Mau, đã có 1 người chết, 1 người bị thương, sập 91 căn nhà, tốc mái 472 căn nhà... Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 22 tỷ đồng.  

Bình luận