Mức sinh năm 2024 của Việt Nam thấp nhất trong lịch sử

VOH - Bộ Y tế dự ước tỷ lệ sinh năm 2024 đạt 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử.

Tại hội nghị Tổng kết công tác dân số năm 2024 ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Bộ dự kiến tỷ lệ sinh năm 2024 sẽ vào khoảng 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử. Đây là năm thứ 3 liên tiếp mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).

Cụ thể năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ con, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ. Hai năm trước đó, mức sinh dù cao hơn nhưng bắt đầu xu hướng giảm dần, từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống 2,01 con/phụ nữ năm 2022.

Dự báo, xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

20 năm qua, xu hướng mức sinh thấp và rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao, dao động 1,7-1,8 con/phụ nữ.

Năm 2024, phụ nữ vùng thành thị chỉ sinh 1,67 con, tiếp tục giảm so với năm 2023 (1,7 con/phụ nữ). Trong khi đó, tại khu vực nông thôn mức sinh ở đây luôn cao hơn mức sinh thay thế, ở mức 2,2-2,3 con/phụ nữ nhưng năm 2023, lần đầu tiên với mức sinh giảm xuống còn 2,07 con và năm 2024, mức sinh của phụ nữ nông thôn là 2,08 con.

muc-sinh-3-1638980112615582779045-5-3

Bên cạnh đó, có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng. Mức sinh tại những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn lại cao. Như vùng trung du và miền núi phía Bắc tỷ lệ sinh ước tính 2,34 con/phụ nữ; ở Tây Nguyên ước 2,24 con/phụ nữ. Đây là hai vùng có mức sinh cao. 4 vùng kinh tế xã hội còn lại có mức sinh tương đương mức sinh thay thế hoặc thấp. Trong đó, Đông Nam Bộ là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước (ước 1,48 con/phụ nữ).

Theo dự báo dân số Việt Nam thời kỳ 2019-2069, trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm ngày càng lớn. Giai đoạn 2054-2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%. Cuối thời kỳ dự báo (2064-2069) mức giảm là 0,18%/năm. Từ đó suy ra Việt Nam giảm bình quân 200.000 người mỗi năm.

Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến cuối thời kỳ này, dân số vẫn tăng nhẹ. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2064-2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm. Tuy nhiên với xu thế sinh ngày càng giảm thì kịch bản này khó xảy ra.

Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì mức sinh xuống thấp sẽ càng lan rộng, tác động trực tiếp tới quy mô, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy. Đáng lo nhất chính là thiếu hụt nguồn lực lượng lao động, cùng tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Ngoài ra cũng gây những áp lực cho hệ thống an sinh xã hội và chi phí cao để chăm sóc người cao tuổi.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng công tác dân số và phát triển trong thời gian tới, trong dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo có đề xuất các nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật, không xử lý trường hợp sinh từ 3 con trở lên, song song với việc thúc đẩy và có các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng đủ 2 con; hỗ trợ người lao động sinh con, có con nhỏ, để các gia đình, nhất là ở vùng mức sinh thấp không sợ sinh con.

Nhiều địa phương cũng có các cơ chế, chính sách khuyến sinh nhằm kéo mức sinh lên mức sinh thay thế ở mức bền vững, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dân số và tận dụng hiệu quả thời kỳ “dân số vàng”, giảm áp lực cho an sinh xã hội.

Bình luận