Mức sinh thấp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy

(VOH) - Việt Nam là một trong 5 nước có tỷ lệ phụ nữ phá thai cao nhất thế giới, đặc biệt là phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á. Thời gian qua, Thành Phố cũng đã có nhiều giải pháp tích cực trong truyền thông, tư vấn, vận động các đối tượng thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tuy nhiên, thực trạng mang thai sớm, mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai đang là vấn đề rất đáng quan tâm.

Nhân ngày Dân số Thế giới 11/7 cũng như liên quan đến khó khăn trước thực trạng giảm sinh tại TPHCM, VOH đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Phó Chi cục trưởng – Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM:

VOH: Bà có thể cho biết ý nghĩa và thông điệp của ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay là gì?

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ: Năm nay Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc đưa ra chủ đề “Kế hoạch hóa gia đình – nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.Mục đích và ý nghĩa của chủ đề năm nay là làm sao qua việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình để nâng cao vị thế con người. Vị thế con người ở đây không chỉ là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà tất cả mọi người trên thế giới được nâng cao vị thế và thông qua việc kế hoạch hóa gia đình sẽ giúp xây dựng đất nước, xã hội phồn vinh.

VOH: Riêng trên địa bàn TPHCM, công tác dân số trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nổi bật gì?

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ: Công tác dân số thời gian vừa qua với sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tổng cục dân số, của lãnh đạo Thành Ủy, Ủy ban Nhân dân TP, sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở cơ sở và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành thì mục tiêu giảm sinh của Thành phố đã đạt, các chỉ tiêu về dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt và vượt chỉ tiêu. TPHCM được đánh giá là một trong những tỉnh, thành hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2010 - 2015.

VOH: Là Thành phố đông dân, dân số lại không ngừng biến động, gắn theo đó công tác dân số của TPHCM đối mặt với những khó khăn gì?

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ: Cái phải nói đầu tiên là mức sinh thấp, tổng tỷ suất sinh tức là số con trung bình của một bà mẹ trong độ tuổi sinh sản thấp hơn mức sinh thay thế, trong nhiều năm TPHCM có tổng tỷ suất sinh dưới 2,1 con. Như vậy theo thống kê số con trung bình của một bà mẹ ở TPHCM năm 2011 là 1,39 con, năm 2015 là 1,45 con. 

Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh vận động mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải sinh đủ hai con và phải ý thức được trách nhiệm của mình trong việc sinh con. Đây không phải là chuyện của mỗi gia đình, mỗi cá nhân nói chung mà là chuyện của quốc gia, của TPHCM nói riêng.

Vì nếu duy trí mức sinh thấp liên tục này sẽ ảnh hưởng đến: thứ nhất là nguồn lao động, thứ hai là việc duy trì nòi giống, thứ ba mức sinh thấp thường đi liền, gắn liền với  mất cân bằng giới tính khi sinh. Mà hệ lụy khi mất cân băng giới tính khi sinh xảy ra như chúng ta đã thấy ở nhiều quốc gia điển hình như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... ảnh hưởng đến giống nòi dân tộc, ảnh hưởng đến lực lượng lao động và chúng ta phải thích ứng với già hóa dân số. Khi đó người cao tuổi sẽ cao gấp đôi người trong độ tuổi lao động và để thích ứng, chúng ta phải tính đến chính sách già hóa dân số, các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi và nhiều hoạt động liên quan đến kinh tế - xã hội tại địa phương.

VOH: Nhân ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay, bà có thông điệp gì gửi đến cộng đồng để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược dân số mà ngành đã đề ra?

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ: Hưởng ứng ngày Dân số với quyết tâm kêu gọi mỗi người dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, vận động người dân thực hiện thông điệp mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ hai con để xây dựng đất nước và để phát triển TPHCM một cách bền vững./.

VOH: Cám ơn bà!

Bình luận