Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục

(VOH) - Chiều 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Bên cạnh bày tỏ sự xúc động và vinh dự khi được tham dự cuộc gặp mặt Thủ tướng Chính phủ, các nhà giáo tiêu biểu có nhiều kiến nghị, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa; Lãnh đạo chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách về đội ngũ giáo viên, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo...

Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục 1
Các thầy cô lắng nghe sự chia sẻ của đồng nghiệp tại cuộc gặp mặt với Thủ tướng

Thầy Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp yên tâm với nghề, tiếp tục sứ mệnh đào tạo nghề…

Thầy Lê Hoàng Ân, Trường Cao đẳng Y tế An Giang mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm về chế độ phụ cấp, hỗ trợ thêm cho 2 ngành: Giáo dục và y tế, để các đồng nghiệp có đủ nghị lực bám nghề. Miễn giảm học phí cho sinh viên các ngành trọng điểm như điều dưỡng.

Thầy Võ Văn Sen, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ, với những thành tựu mà chúng ta đạt được trên tất cả các mặt phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đã đến lúc chúng ta có tiềm lực để có một biện pháp đặc biệt có tính nhảy vọt trong việc phải ưu tiên phát triển giáo dục trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội. Làm sao thực hiện được sự ưu tiên phát triển giáo dục.

"Trong sự phát triển giáo dục, ví dụ trong mảng đại học, một trong những công lao rất lớn của đất nước là do các cá nhân từng gia đình đã đầu tư rất lớn cho con em của mình ra nước ngoài học tập. Đó là đột phá lớn, làm thay đổi bộ mặt trí thức khoa học kỹ thuật của chúng ta. Đây là sức mạnh của dân tộc, nhìn thấy sự đầu tư cho phát triển giáo dục. Đảng và Nhà nước cần thấy rằng lúc này là lúc bắt đầu thực hiện ưu tiên cho phát triển giáo dục trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội", Thầy Võ Văn Sen đề nghị.

Muốn phát triển con người phải dựa vào giáo dục và đào tạo

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực. Muốn phát triển con người phải dựa vào giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục và đào tạo muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành giáo dục đào tạo nói chung và các thầy cô nói riêng
Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành giáo dục đào tạo nói chung và các thầy cô nói riêng

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục dành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Tập trung nguồn lực hiện có và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh của nhà trường.

Xem thêm: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu tiên đội ngũ giáo viên

Có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức tương xứng với công sức của mình. Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các nhà giáo giảng dạy các ngành nghề nặng nhọc, độc hại...