Năm 2016, viện phí tăng: Không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ nặng gánh hơn

(VOH) - Liên Bộ Y tế - Tài chính đang hoàn thiện để sớm ban hành thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế gồm: phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và tiền lương của nhân viên y tế vào giá. Ba yếu tố này sẽ khiến viện phí tiếp tục tăng mạnh.

Dự kiến thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế này sẽ áp dụng vào cuối tháng 11/2015.

Theo Bộ Y tế, 3 năm vừa qua, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở mức tăng  nhẹ dao động từ 60 đến 80% nhưng bước đầu cho thấy đã có hiệu quả khi các bệnh viện đã sử dụng 15% để tái đầu tư phục vụ người bệnh. Tuy vậy, với lần  này, người dân bị tác động như thế nào? Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng vụ kế hoạch tài chính - Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Nam Liên - Ảnh: TTO

* VOH: Thưa ông, Bộ Y tế có dự trù được những tình huống khó nhất là gặp phản ứng từ dư luận hay không khi cuối tháng 11 này, viện phí sẽ tăng theo lộ trình ?

- Ông Nguyễn Nam Liên: Việc điều chỉnh giá lần này là thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, các chủ trương của Đảng, của Quốc hội nhằm mục tiêu chuyển từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ BHYT.

Lần điều chỉnh giá này, Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính tính giá theo nguyên tắc là tính đủ chi phí trực  tiếp cộng với tiền lương, phụ cấp đặc thù của cán bộ y tế.

Đối với giá khám bệnh và giá ngày giường bệnh thì sẽ quy định theo mức hạng bệnh viện. Còn giá dịch vụ kỹ thuật sẽ quy định thống nhất cho các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Trước mắt, thông tư này áp dụng cho người bệnh có thẻ BHYT và sẽ do cơ quan BHYT thanh toán là chủ yếu. Đối với người chưa có thẻ, Bộ Y tế - Bộ Tài chính sẽ căn cứ điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của năm 2016 để trình chính phủ xem xét quyết định cái mức, thời điểm áp dụng cho phù hợp.

* VOH: Ông nghĩ tăng viện phí lần này người dân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào ?

- Ông Nguyễn Nam Liên: Tác động của Thông tư này chủ yếu là người có thẻ BHYT. Trong nhóm tham gia BHYT có nhóm được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, đó là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người sinh sống ở miền núi, hải đảo, các đối tượng chính sách xã hội, những đối tượng này hầu như không bị ảnh hưởng.

Đối tượng cận nghèo được hỗ trợ 70% kinh phí mua BHYT, và cũng đang huy động nguồn lực để hỗ trợ nhóm này tham gia BHYT. Và nhóm này chỉ đồng chi trả 5% nên cũng tác động có mức độ.

Nhóm thứ 3 tác động tương đối là nhóm đồng chi trả 20%. Trước kia nhóm này khi đi khám phải nộp 2 khoản: một là đồng chi trả 20% theo quy định và khoản 2 là một số vật tư hóa chất chưa kết cấu vào giá hoặc đưa vào giá nhưng mức thấp phải nộp thêm. Vậy thì khi tăng giá lần này, người bệnh chỉ nộp có 1 khoản là 20% đồng chi trả.

Riêng với Luật BHYT sửa đổi đã có bổ sung quy định là người tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên khi đồng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được BHYT thanh toán phần chênh lệch nên tôi nghĩ có tác động nhưng không nhiều.

* VOH: Như ông nói, đối tượng áp dụng tăng viện phí lần này là người có thẻ BHYT. Thế nhưng, trong nhóm cận nghèo thì hiện nay, chỉ mới có 40% hộ cận nghèo có thẻ... như vậy nhóm người cận nghèo không có thẻ BHYT sẽ phải đối mặt với chuyện bệnh tật như thế nào ?

- Ông Nguyễn Nam Liên: Trước mắt, mức giá này chỉ áp dụng với bệnh nhân BHYT và do cơ quan BHXH chi trả, sẽ có tác động ở một số nhóm đối tượng nhưng không nhiều, người dân yên tâm. Còn sang năm 2016, trong trường hợp áp dụng mức giá này cho người không có thẻ BHYT đúng là sẽ có tác động lớn đến đối tượng này khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Nhưng mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta là BHYT toàn dân nên tôi cũng mong rằng người dân chưa có thẻ BHYT nên tham gia BHYT để trong trường hợp có đau ốm sẽ có quỹ BHYT hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam đẩy mạnh vấn đề phát triển BHYT. Để hỗ trợ các nhóm tham gia BHYT chúng tôi đề nghị các tỉnh bố trí ngân sách để hỗ trợ người có mức sống trung bình tham gia BHYT, ngoài mức 30% ngân sách trung ương hỗ trợ thì có sự hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương. Ngoài ra cũng đẩy mạnh phát triển BHYT theo hộ gia đình.

* VOH: Cảm ơn ông.