Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên TPHCM

(VOH) - “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên TPHCM” là chủ đề buổi toạ đàm do Ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM tổ chức vào sáng nay 9/8.

Theo đánh giá của Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ - Bà Thân Thị Thư: trong thời gian qua nội dung tuyên truyền miệng được đổi mới, ngày càng phong phú, đa dạng. Hình thức tuyên truyền đã bớt đơn điệu, khô cứng, được lồng ghép với tham quan học tập thực tế. Chất lượng công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên khá kịp thời, bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền miệng vẫn còn hạn chế, nội dung thông tin có lúc chưa kịp thời, nhanh nhạy và sắc bén.

Buổi toạ đàm đã tập trung thảo luận về 4 nhóm vấn đề: nhìn nhận đánh giá đúng thực trạng công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của thành phố, nâng cao đổi mới công tác tuyên truyền miệng, tăng tính thuyết phục cao, vai trò công tác tuyên truyền miệng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Bà Thân Thị Thư –Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ nhấn mạnh: "Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên như chỉ thị 17 Ban Bí thư đề ra, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng của thành phố. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, ban tổ chức toạ đàm đã nghiên cứu và hệ thống những vấn đề có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, từ đó rút ra kinh nghiệm và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên sắp tới ".



Để nâng cao công tác tuyên truyền miệng cần phải nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền miệng và quan tâm đúng mức đến đội ngũ báo cáo viên. Đây là yêu cầu quan trọng cần thiết góp phần đổi mới công tác tuyên giáo hiện nay. Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng: Công tác tuyên truyền miệng cần bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, gắn với kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, bảo đảm tính kịp thời, nhạy bén, chính xác, mang tính thời sự, góp phần định hướng dư luận. Bà Phạm Phương Thảo cho rằng: "Tôi nghĩ bản thân mỗi người phải học, phải rèn, không chỉ dựa vào khả năng tự có, phải vừa học vừa được bồi dưỡng thông tin, định hướng thông tin. Tôi thấy công tác tuyên truyền miệng là khó, là quá trình đòi hỏi và tự đòi hỏi để làm tốt hơn công tác tuyên truyền, trong đó có bản thân người làm công tác tuyên truyền và những cơ quan có trách nhiệm để làm tốt hơn công tác tuyên truyền miệng của đảng ".


Theo Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Trần Văn Khánh - nguyên phó Hiệu trưởng Trường cán bộ TPHCM: người báo cáo viên phải biết tự bồi dưỡng, rèn luyện trong công tác tuyên truyền miệng. Khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, người báo cáo viên phải bảo đảm tính đảng, tính khoa học, tính thực tiễn và tính quần chúng trong công tác tuyên truyền. Người báo cáo viên cần chú ý đến cách tuyên truyền là nói chân thực, trong sáng, giản dị, dễ hiểu: "Tuyên truyền miệng là một bộ phận của công tác tư tưởng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa đường lối, chính sách của đảng và nhà nước trực tiếp đến cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong đảng, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để hoàn thành nhiệm vụ, đội ngũ báo cáo viên phải được các cấp có thẩm quyền không ngừng quan tâm xây dựng, trong quá trình đó, việc tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của từng người báo cáo viên có ý nghĩa quyết định".



Sự quan tâm của cấp uỷ trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên là điều kiện cần thiết để công tác tuyên truyền miệng đạt hiệu quả. Do vậy, nhiều cấp uỷ đã quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, từ đó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền ở cơ sở. Bà Nguyễn Thị Lệ - Bí thư quận uỷ quận 3 chia sẻ: "Để công tác tuyên truyền miệng ở quận và cơ sở đạt kết quả tốt nhất, Ban thường vụ quận uỷ quận 3 kiến nghị với Ban tuyên giáo Thành uỷ trong thời gian tới tiếp tục quan tâm cung cấp cho đội ngũ báo cáo viên quận nhiều thông tin hơn nữa về các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong nước và thế giới, đồng thời cung cấp thêm nhiều tài liệu để trên cơ sở đó, ban thường vụ quận uỷ kịp thời định hướng công tác tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu của thành phố".



Sau khi nghe tham luận của các đại biểu dự toạ đàm, bà Thân Thị Thư -Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ nhận định: các tham luận đã đề cập, đánh giá đúng thực trạng và nêu được nội dung và giải pháp để nâng cao đổi mới công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên. Bà Thân Thị Thư đánh giá: "Làm như thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động đội ngũ báo cáo viên chúng ta phải đánh giá đúng hiện trạng. Từ đó chúng ta tiến hành đổi mới mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, có như vậy những hoạt động của lực lượng chúng ta mới đến với đoàn viên, hội viên, lực lượng chính trị nòng cốt, từ đó mới tuyên truyền ra dân, mới tạo được niềm tin, tạo được sự đồng thuận cao".




Tính đến nay, toàn thành phố có 954 báo cáo viên cấp thành phố, 100% có trình độ đại học. Trong 5 năm qua, toàn thành phố đã tổ chức được hơn 15.000 buổi học nghị quyết cho hơn một triệu lượt cán bộ, đảng viên.