Nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

 (VOH) - Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sẽ thực hiện xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo, thẩm định trong trường hợp văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gắn với việc rà soát, đánh giá, xem xét, dự kiến bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, không minh bạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, từng bước đơn giản hóa, hiện đại hóa hệ thống pháp luật

Trong báo cáo đánh giá tác động và thuyết minh của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị định của Chính phủ, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải có nội dung rà soát, đánh giá và đề xuất danh mục các văn bản pháp luật cần bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung với dự kiến lộ trình, thời gian cụ thể thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh, thực hiện theo hướng: Đối với các luật, pháp lệnh có nội dung sửa đổi, bổ sung nhỏ, đơn giản, không làm thay đổi chính sách hoặc chỉ sửa đổi về kỹ thuật thì đưa nội dung sửa đổi, bổ sung vào dự án luật, pháp lệnh có liên quan đang được soạn thảo; đối với các luật, pháp lệnh có nội dung sửa đổi, bổ sung lớn, phức tạp, làm thay đổi các chính sách thì bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định của Luật năm 2015.

Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo cần chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, có ý kiến khác nhau cần phải được xử lý kịp thời, thống nhất ngay từ đầu để bảo đảm chất lượng và tiến độ của dự án; trong quá trình soạn thảo cần xác định rõ những nội dung trong luật, pháp lệnh giao quy định chi tiết, cơ quan có trách nhiệm soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết, hiệu lực của nội dung giao quy định chi tiết.

Bên cạnh đó, phân công, cử lãnh đạo, chuyên viên tham dự đầy đủ, đúng thành phần tham gia các hoạt động trong quá trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh; phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ kịp thời báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề mới thuộc nội dung của dự án luật, pháp lệnh khác với quan điểm chỉ đạo, chính sách của dự án đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, tăng cường theo dõi, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động, sự tham gia và ý thức trách nhiệm của từng thành viên Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh. Trong báo cáo hằng quý gửi Bộ Tư pháp về tình hình, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải có nội dung báo cáo về tình hình và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban soạn thảo.

Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các nội dung giao quy định chi tiết, kịp thời đề xuất xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết ngay sau khi luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp, lập Danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; tuân thủ nghiêm các quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP liên quan đến thời hạn và hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra các đề nghị xây dựng, các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh hoạ

Các bộ, cơ quan ngang bộ không phải là cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo để phục vụ cho việc nghiên cứu, soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nhất là trong việc phối hợp tham gia ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định của Luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Quy chế làm việc của Chính phủ.

Lãnh đạo hoặc đại diện lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ là thành viên Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh phải tham dự đầy đủ, đúng thành phần các cuộc họp của Ban soạn thảo, không cử cấp dưới đi dự họp thay, trừ trường hợp bất khả kháng.

Chủ động hoặc theo đề nghị của các cơ quan của Quốc hội, tham gia tích cực vào quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh; cung cấp đầy đủ thông tin thuộc ngành, lĩnh vực quản lý phục vụ việc soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh; kiến nghị xử lý kịp thời những quy định của dự thảo luật, pháp lệnh không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật, pháp lệnh và các văn bản dưới luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội; phân công lãnh đạo và công chức tham gia ngay từ đầu, đầy đủ các hoạt động nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, cho đến khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự án luật, pháp lệnh.

Trong quá trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, thông qua, trường hợp có đề xuất chỉnh lý, bổ sung khác với quan điểm, tư tưởng chủ đạo và nội dung cơ bản của dự án luật, pháp lệnh Chính phủ đã trình thì Văn phòng Chính phủ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc chủ động báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo.    

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm các quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.

Tăng cường kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý kịp thời các sai phạm theo hướng: Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo, thẩm định trong trường hợp văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật; tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu về sự cần thiết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong Quý IV năm 2017 để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Nội dung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề.

Thứ nhất, xác định đầy đủ, rõ ràng vai trò, trách nhiệm của Chính phủ trong toàn bộ quy trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh

Thứ hai, xác lập cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật. Trong đó, có cơ chế Chính phủ chủ động trình xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với những vấn đề lớn, có ý kiến khác nhau về quan điểm, chủ trương, chính sách trong dự án luật, pháp lệnh quan trọng, phức tạp, nhạy cảm ngay từ giai đoạn nghiên cứu, soạn thảo

Thứ ba, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nhất là kiểm soát trước, đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương.

 

Bình luận