Người có nhu cầu tuyển đang phỏng vấn chọn người giúp việc nhà tại một trung tâm giới thiệu việc làm. Ảnh: SGGP |
Khi nghe về những quy định mới về nghề giúp việc sắp có hiệu lực, nhiều người đang làm công việc này tỏ ra rất hào hứng: "Tôi cũng rất mừng, hồi xưa làm giúp việc không có chế độ, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Nhưng bây giờ nghe là nghề giúp việc cũng có bảo hiểm xã hội thì tôi cũng rất mừng, cũng đỡ bớt lo phần nào, sau này có thất nghiệp thì cũng có gì cung cấp cho bản thân về sau. Bây giờ, tôi rất vui vì nghề giúp việc được xã hội công nhận” -"Có khi tiền lương thì thanh toán đủ, có khi họ cũng không thanh toán cho mình. Nhưng bây giờ nghe nói là sắp tới đây có ký hợp đồng thì tôi mừng lắm, nếu mà ký được hợp đồng thì tôi cũng yên tâm để mà giúp cho nhà chủ, rồi lại được luật pháp bảo vệ".
Theo điều tra của tổ chức Lao động Quốc tế ILO, giúp việc gia đình đang ngày một tăng lên ở Việt Nam. Từ con số hơn 160.000 người vào năm 2008 và đến năm 2015 con số này có thể lên đến gần 250.000 người. Đây là một lực lượng lao động rất lớn nhưng hầu hết làm việc kiểu tự phát, không được đào tạo và có thể gặp rủi ro. Chính vì vậy, ông Phillip Hazelton - Cố vấn Trưởng Dự án Quan hệ Lao động - Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đánh giá Nghị định 27 là một bước tiến quan trọng bảo vệ những lao động giúp việc: "Tôi tin rằng, Chính phủ VN đã có những bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu, thúc đẩy công việc xã hội cho những người giúp việc. Nghị định mới này là một thông điệp mạnh mẽ cho những người giúp việc và cho những người thuê mướn họ ở VN. Nghề giúp việc gia đình sẽ là một nghề chuyên biệt mang đến lợi ích kinh tế xã hội bền vững cho các gia đình, cho những người thuê mướn, cho bản thân những người giúp việc cũng như toàn xã hội nói chung".
Tuy nhiên, khi xem xét kĩ các quy định mới trong lĩnh vực giúp việc, không ít chủ nhà đã rất băn khoăn bởi rất khó để thực hiện. Như anh Thanh Tuấn - ở chung cư Tô Hiến Thành (quận 10) đang trả cho người giúp việc ở trong nhà mình mức lương 3,5 triệu/tháng, chưa tính chi phí ăn ở, chi phí tàu xe khi về quê và tháng lương 13 dịp cuối năm: "Mức lương chúng tôi trả cho người giúp việc còn cao hơn nhiều, nếu mà nói mua bảo hiểm xã hội với bảo hiểm y tế thì chúng tôi buộc phải kéo mức lương đang trả xuống thấp, tôi nghĩ người lao động họ sẽ không bằng lòng vì họ thấy trước mắt là mức lương cao, còn bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội thì chắc họ cũng không quan tâm tới...".
Cũng như anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Minh ở Gò Vấp lại băn khoăn rằng, tiền lương mà chị trả cho người giúp việc đã cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định mới. Giờ nếu phải trả thêm tiền đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, theo mức tính hiện nay, chi phí đội thêm khoảng 800.000 đồng. Trong khi đó, quy định chỉ ghi “để người lao động tự lo bảo hiểm”… Nhưng thực tế có bao nhiêu người lao động sẽ cầm khoản tiền này để đóng tiền bảo hiểm xã hội: "Nghĩ là người giúp việc sẽ không bao giờ mua, vì thứ nhất là người giúp việc còn hạn chế trình độ, hiểu biết, tầm nhìn xa của họ thấp… thành ra họ chưa lường trước được những hoàn cảnh trước mắt, sau này họ cần những khoản chi trả từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thực tế, họ thấy tiền lương họ bị hụt xuống thì họ sẽ không mua đâu".
Cũng khá băn khoăn về quy định này, ông Trần Anh Tuấn - PGĐ Trung tâm Dự báo Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động cho rằng: "Tôi thấy quy định người sử dụng người giúp việc nhà phải đóng bảo hiểm xã hội đã được quy định chính thức và đây là trách nhiệm của người lao động xã hội, nên người sử dụng lao động ủy quyền lại hoặc giao số tiền cho người lao động đóng bảo hiểm xã hội cho mình thì tôi nghĩ là khó khả thi. Tôi cũng được biết là khi mà trong quy định của nhà nước về quản lý người giúp việc nhà thì trách nhiệm quản lý được giao cho UBND phường xã, cho nên tôi nhận thấy có thể BHXH nên nghiên cứu cách hướng dẫn như thế nào cho phù hợp, có thể ủy thác cho phường - xã thực hiện BHXH đối với người sử dụng việc giúp việc nhà, thì như thế sẽ phù hợp hơn".
Một quy định khác cũng đáng chú ý là chủ nhà phải kí Hợp đồng với người lao động và thông báo với chính quyền sở tại, nhưng không quy định nếu không thực hiện sẽ xử lý như thế nào, phạt hành chính mức vi phạm bao nhiêu. Như vậy, cấp cơ sở cũng mới chỉ dừng ở mức thông báo để quản lý nhân sự trên địa bàn, còn mọi vấn đề khác vẫn để ngỏ. Bà Phạm Thị Minh Hằng - PGĐ Trung tâm nghiên cứu Giới và Môi trường phát triển trăn trở: "Nếu như người chủ thuê lao động họ không thông báo với chính quyền phường xã, hoặc là các điều khoản không thực sự là đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì các cơ quan chức năng của nhà nước phải có những biện pháp gì để can thiệp, cũng như là để bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì tôi thấy điểm đó chưa được nêu rõ ràng trong nghị định và điểm rất khó khi đưa nghị định và thực hiện là những vấn đề về giám sát đánh giá chưa rõ ràng như thế thì nghị định rất khó để thực hiện".
Bên cạnh đó, khi chỉ còn không đầy một tháng nữa, Nghị định 27 sẽ có hiệu lực, tất cả các hộ gia đình sử dụng lao động đều sẽ phải ký hợp đồng lao động nhưng chính các gia đình này cũng không biết ký hợp đồng như thế nào. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng “Cần có hợp đồng mẫu”, nếu không, mỗi gia chủ sẽ có một kiểu hợp đồng riêng thường là sẽ có bất lợi cho người lao động.
Một lo ngại nữa là theo quy định, nếu người lao động yêu cầu thì chủ nhà mới phải trả chi phí học nghề cho người lao động. Tuy nhiên, nếu không có sự bắt buộc về tính chuyên nghiệp của nghề giúp việc nhà, ít nhất là khóa đào tạo ngắn hạn trước khi có nghề thì rào cản của quy định này chính là tâm lý của người giúp việc và không ít gia chủ hiện nay là chưa coi trọng nghề và "chỉ những người nghèo khổ mới đi làm nghề này". Ông Trần Anh Tuấn - PGĐ Trung tâm Dự báo Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động khẳng định: "Người giúp việc nhà đa phần không quan tâm vấn đề đi học nghề, để có một nghề nghiệp cho cụ thể, bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng nghĩ đơn giản trong việc tuyển người giúp việc nhà. Các tổ chức giới thiệu việc làm cũng có mà đa phần không đạt được độ tin tưởng ở người sử dụng lao động, nên tôi hi vọng khi luật lao động được cụ thể hóa thừa nhận nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi người giúp việc nhà, tôi nghĩ rằng sẽ có biện pháp khả thi hơn, tình hình lao động trong lĩnh vực này sẽ phát triển hơn và quy cũ hơn so với trước đây".
Rõ ràng, Nghị định 27 là bước tiến mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người giúp việc, tránh được những rủi ro cho họ, xong nếu không có các chế tài cụ thể, cơ chế giám sát, thì khó đi vào thực tiễn. Ông Phillip Hazelton- Tổ chức Lao động Quốc tế ILO nhấn mạnh: "Một số trở ngại giữa Nghị định và thực tế còn khá rõ ràng. Một phần bởi người chủ và người giúp việc chưa có hợp đồng rõ ràng, do đó, lợi ích của những người giúp việc thường không được bảo vệ. Điều đó còn bởi vì những người giúp việc là những cá nhân đơn lẻ, thật khó để họ tạo thành một tổ chức đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của mình. Họ cũng rất cần các đơn vị, tổ chức liên quan sẵn sàng bảo vệ quyền lợi về mặt pháp lý cho mình".
Giúp việc gia đình là công việc đặc thù, không giống bất cứ mối quan hệ lao động nào khác trên thị trường lao động. Thường thì những người làm công việc này có trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật thấp, không mấy khi quan tâm đến chuyện giấy tờ này nọ. Bản thân người giúp việc nhà ăn, ở hàng ngày với gia chủ, nhiều khi cái Tình còn lấn át hơn hẳn những gì quy định trên giấy. Nên vấn đề khó nhất là giám sát thực hiện quy định mới này, nếu không nói là bất khả thi.