"Nên cân nhắc hình thức thu phí xe gắn máy đường bộ"

(VOH)-Trong phiên thảo luận tổ, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra liên quan đến những bất cập trong các chính sách trên lĩnh vực khoa học công nghệ; vấn đề tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều.

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp lần thứ 16 HĐND TPHCM khóa 8, HĐND  tthành phố đã nghe các báo cáo quan trọng về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội TPHCM năm 2014, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015 của UBND TP; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri kỳ họp thứ 14, thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND TP về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TP; báo cáo kết quả công tác xét xử của Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân TP; hoạt động tham gia xây dựng chính quyền của UBMTTQ TP và trình 10 tờ trình của UBND TP.

Trong phiên thảo luận tổ chiều qua 9/12, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra liên quan đến những bất cập trong các chính sách trên lĩnh vực khoa học công nghệ; vấn đề tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều; năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn yếu…

Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại biểu Từ Minh Thiện cho rằng: Doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò chính trong lĩnh vực này. Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ không mạnh thì công nghiệp hỗ trợ sẽ không phát triển.

Quan tâm đến vấn đề thu phí xe gắn máy để bảo trì đường bộ, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng việc thu phí đường bộ là cần thiết để cải tạo, duy tu hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, việc thu phí xe gắn máy trong thời gian qua nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hàng triệu người nhưng hiệu quả thu đem lại rất thấp, chẳng hạn như tại Hà Nội, số lượng thu cũng chỉ được 30% tổng số xe; Đà Nẵng cũng thu được khoảng 30% và 6 tháng đầu năm 2014, số lượng thu của địa phương này cũng chỉ đạt 6%...Một trong những nguyên nhân là do thiếu chế tài, xử phạt dẫn đến tình trạng không công bằng giữa người đóng phí và không đóng phí.

Nhiều cử tri cũng đề nghị nên bỏ hình thức thu này do không hiệu quả, dẫn đến nguy cơ lạm thu, hoặc thu rồi không nộp dễ dẫn đến tiêu cực.

Đại biểu Lâm Thiếu Quân kiến nghị thành phố nên cân nhắc chờ thêm 1 năm nữa mới thực hiện việc thu phí sau khi có quyết sách của Trung ương và góp ý của các đại biểu HĐND, Quốc hội về vấn đề thu phí để cải tiến hình thức thu sao cho khoa học, văn minh, đạt hiệu quả.

Đề cập đến các chỉ tiêu mà TP đặt ra trong năm 2015, đại biểu Lâm Thiếu Quân băn khoăn: Về nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên 30%, năm ngoái chúng ta đạt 28% và tăng trưởng GDP khoảng 9,5%. Năm nay tăng trưởng tương tự nhưng tăng nguồn vốn đầu tư lên đến 30%. Việc đầu tư này cho thấy không hiệu quả. Liên quan vấn đề chỉ số giá tiêu dùng, đại biểu Lâm Thiếu Quân phân tích: "Trong năm 2014, ngoài việc điều chỉnh viện phí, học phí, CPI chỉ tăng 0,7%. Với mức này thì dự kiến sang năm 2015, CPI có thể âm, điều này làm giảm tổng cầu toàn xã hội gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm và việc thu ngân sách cũng gặp khó khăn. Do đó, theo tôi, chúng ta nên xem xét đặt chỉ tiêu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ nên thấp hơn hoặc bằng với thu nhập toàn xã hội, không nên cố gắng tự gây khó khăn cho chính chúng ta".

Các đại biểu thảo luận tại tổ, chiều ngày 9/12 - Ảnh: Lệ Loan

Cũng trong phiên thảo luận tổ , các đại biểu đã bày tỏ lo ngại trước thực trạng nợ công. Các đại biểu cho rằng việc so sánh nợ công với các nước Nhật, Mỹ là lối so sánh khập khiễng. Tình trạng vay nợ mới để trả nợ cũ cũng ở mức đáng ngại. Do đó phải siết chặt việc mua sắm, chi tiêu tài sản công, đặc biệt là các chuyến đi nước ngoài; tinh giản bộ máy biên chế công chức cồng kềnh hiện nay khiến lương phải dàn trải và thiếu lương dẫn đến công chức có hành vi vòi vĩnh, tham nhũng…

Đại biểu Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: Nợ công là vấn đề lớn, tuy nhiên bà khẳng định nợ công vẫn đang trong khả năng kiểm soát.

 "Nếu tăng tổng mức đầu tư lên mà ngân sách bố trí không kịp thì sẽ phát sinh nợ đọng. Thật ra với t hành phố chúng ta khi giao chỉ tiêu kế hoạch, đã có sự điều hòa vốn giữa các dự án có tiện độ chậm sang ưu tiên cho các dự án có tiến độ nhanh. Do đó, việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư các dự án hoàn toàn không liên quan đến nợ công", bà Hương Lan nói.

Vấn đề ngập nước tại thành phố cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận chiều qua. Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa (quận 11) bày tỏ sự băn khoăn: Theo báo cáo thì tính đến nay, thành phố đã giảm được 48/58 điểm ngập do mưa và 24 điểm ngập nặng do triều cường. Ngoài ra, hơn 1.000 van ngăn triều với 30 trạm bơm cũng được đưa vào vận hành, hàng ngàn km lòng cống thoát nước được duy tu và nâng cấp để xử lý ngập… Tuy nhiên, trong các buổi tiếp xúc cử tri, lúc nào, các đại biểu cũng nghe người dân nêu bức xúc về tình hình ngập nước ở địa phương. Ông Phạm Hiếu Nghĩa đề nghị: "Người dân cho biết dù mưa lớn hay mưa nhỏ gì thì cũng ngập! Khi các Tổ đại biểu tiếp xúc cử tri, rất khó để giải thích cho người dân về việc này trong khi kinh phí ngân sách vẫn cấp đều đặn. Do đó cần nói rõ cái nào đã làm được, cái nào chưa làm được để người dân nắm rõ".

Trong sáng nay 10/12, các đại biểu sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ, tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Buổi chiều, HĐND TP tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm, thông qua Nghị quyết các tờ trình của UBND TP và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

 

Bình luận