Nếu tự chủ tốt hơn sao cứ bao cấp mãi?

(VOH) - Nếu tự chủ tốt hơn sao cứ bao cấp mãi? Các trường cần tập trung đẩy mạnh tự chủ tài chính và nhiều lĩnh vực khác, thực hiện xã hội hoá đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nội dung đào tạo cần đúng chủ trương đường lối, đồng thời đón nhận hiệu quả làn sóng cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4. Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng trong buổi làm việc với Đảng uỷ Khối các trường ĐH, CĐ và TCCN, vừa diễn ra sáng nay, 21/2.

 Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng phát biểu trong buổi làm việc với Đảng uỷ Khối các trường ĐH, CĐ và TCCN, vừa diễn ra sáng 21/2.

Tại buổi làm việc, một số trường bày tỏ lo ngại khi tự chủ. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM cho rằng thực hiện công tác giáo dục rất khó khi với mức học phí chỉ khoảng 6 triệu/sinh viên nhưng các trường phải cam kết đào tạo nguồn nhân lực đạt tầm quốc tế. Ngoài ra, với 80% sinh viên của trường xuất thân từ vùng sâu vùng xa, việc tự chủ học phí sẽ tạo sự khó khăn cho các em.

"Đào tạo luật ở trường chúng tôi mà thu tiền như các trường gọi là quốc tế, hàng chục triệu chắc chắn chúng tôi rất khó khăn trong việc thu hút người học. Bởi vì, 80% sinh viên của trường từ vùng sâu vùng xa, từ các địa phương khó khăn. Chúng tôi là trường công lập nên học phí chỉ đến 300USD, khoảng 6 triệu đồng. Chúng tôi đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh. Trường hợp chúng tôi tự thu học phí thì số lượng người học và các vùng chúng ta muốn đào tạo chưa chắc được như mong muốn", bà Hồng Quỳ chia sẻ.

Với đặc thù đào tạo giáo viên, ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư Phạm TPHCM, cho rằng việc phụ thuộc vào ngân sách và những chính sách ưu tiên nhất định của nhà nước là tình hình chung của nhiều trường sư phạm ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, với mức lương giáo viên mới ra trường chưa đến 3 triệu đồng như hiện nay, rất khó thu hút sinh viên giỏi vào trường. Vì vậy, trường khó có thể thực hiện tự chủ.

"Lương giáo viên mới ra trường chưa đến 3 triệu và họ phải làm tất cả mọi việc để bươn chải trong 5 năm sau mới có thâm niên, thêm 1 năm tập sự. Như vậy giáo viên có 6 năm không thâm niên với một thu nhập vô cùng thấp. Chúng tôi đề nghị phải có một cơ chế nào đó cao hơn ở nhà nước trong việc  chi lương cho giáo viên", ông Hồng kiến nghị.

Đi ngược với những lo lắng trên, một số trường đã được giao tự chủ toàn diện như Đại học Mở, Đại học Tài chính- Mảketing... cho rằng việc tuyển sinh, thu học phí, chất lượng đào tạo, thu nhập của giảng viên các trường đều tăng hơn trước. Ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Đại học Mở TPHCM, cho rằng mức học phí hiện nay đang cao bằng, rất nhiều sinh viên gia đình có điều kiện, ở thành phố được hưởng mức học phí thấp. Trong khi cái người học cần là chất lượng giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Phúc thông tin: "Ở trường chúng tôi, quỹ học bổng hiện nay sử dụng không hết. Chúng tôi ra chính sách những trường hợp nào khó khăn là giải quyết hết, nhưng quỹ học bổng vẫn thừa. Chứng tỏ rằng người học của chúng ta cần chất lượng, phải nâng chất lượng đào tạo lên, chứ không phải học phí thật là thấp để giải quyết chế độ cho sinh viên nghèo. Chúng tôi đã làm những hội thảo bàn về vấn đề này, và thấy rằng phải chuyển đổi mạnh mẽ mới có hệ thống giáo dục đại học chất lượng. Và các trường ĐH trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn chúng ta phải tìm con đường để phát triển".

Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng khẳng định, trước yêu cầu phát triển của xã hội, không thể thực hiện bao cấp một cách tràn lan. Cần rà soát lại để quyết định trường nào nên tự chủ hoàn toàn, trường nào tự chủ một phần, tự chủ với mức độ hỗ trợ khác nhau tuỳ điều kiện cụ thể. Việc tự chủ đại học  hoàn toàn có thể thực hiện được.

"Mình hãy lấy mục tiêu cuối cùng là sản phẩm của trường ra hội nhập quốc tế để từ đó xác định cần làm gì. Nếu chủ động, huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư mới là bền vững. Chứ nếu cứ loanh hoanh mãi về cái chuyện từ ngân sách thì khó. Mình phải xây dựng được thương hiệu của mình, khi đó người học xác định thi vào sẽ khó hơn nhưng họ biết ra là sẽ có việc làm và việc làm có thu nhập cao, thì người ta sẵn sàng ngay chứ", Bí thư Thăng yêu cầu.

Bí thư cũng yêu cầu sớm tháo gỡ những khó khăn trong việc bố trí đất cho các trường, hỗ trợ Đảng uỷ khối các trường ĐH, CĐ và TCCN thực hiện quy chế phối hợp với các bộ ngành, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục cho cách chuyên gia, Việt kiều về làm việc, giảng dạy...