Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo bà Hồng, dự thảo luật bổ sung, sửa đổi quy định về việc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “can thiệp sớm” và bổ sung thẩm quyền của NHNN trong trường hợp can thiệp sớm.
Một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước “can thiệp sớm”. Ngân hàng nào có lỗ lũy kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này.
“Cho vay đặc biệt” với lãi suất 0% một năm là một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này.
Dự thảo bổ sung thẩm quyền NHNN trong việc hạn chế quyền quyết định hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật…
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các trường hợp quy định của việc can thiệp sớm để phản ánh đúng bản chất.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn và thể hiện rõ mục đích của dự án luật trong việc tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với trách nhiệm cụ thể.
Theo ông Thanh, cần làm rõ căn cứ bổ sung thẩm quyền của NHNN về "điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng".
Riêng trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, Ủy ban Kinh tế thấy các biện pháp nêu tại dự thảo luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ bên ngoài chủ yếu từ NHNN mà chưa có những biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng.
Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát của NHNN đối với việc triển khai các phương án với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.
Về “khoản vay đặc biệt”, theo Ủy ban Kinh tế, đây là biện pháp cần thiết, nhưng dự thảo luật chưa quy định cụ thể thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản vay này.
Vì vậy, cần làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt “là 0%”.
Về vấn đề can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng đây là vấn đề rất khó. Hiện nay, căn cứ trên thực tiễn các sự vụ phát sinh, dự thảo Luật đang có điều chỉnh phù hợp để khắc phục những hạn chế của luật hiện hành.
Góp ý tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các bộ ngành liên quan, đặc biệt Bộ Tài chính, phải có trách nhiệm trong xây dựng dự án luật này.
Hay vấn đề giao thoa giữa ngân hàng với bảo hiểm, giao thoa giữa ngân hàng với đầu tư chứng khoán, trái phiếu, theo Chủ tịch Quốc hội, là vấn đề rất lớn. Ông cho rằng cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong những sự việc này.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi rộng lớn nên các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội phải cùng nhau chung sức, lắng nghe để hoàn thiện dự thảo Luật.