Đăng nhập

Ngân hàng đề xuất tăng vốn, tiến tới bỏ hạn mức tín dụng

00:00
03:30
03:30
VOH - Dự kiến trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Quốc hội sửa đổi một số quy định nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại tăng vốn, mở rộng tín dụng và phát triển bền vững.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại ngày 11/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sẽ tiếp tục đổi mới điều hành tín dụng, hướng tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo tổ chức, đồng thời nâng cao năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng.

Năm 2025 là thời điểm quan trọng để tăng tốc phát triển kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%. Để hỗ trợ mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước cam kết điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy kinh tế vĩ mô.

Dao minh tuXem toàn màn hình
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ từng bước xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng theo diễn biến thực tế thay vì yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có văn bản đề nghị. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến đạt 16% trong năm 2025.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tập trung xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân. Đến nay, bốn ngân hàng yếu kém đã hoàn tất chuyển giao bắt buộc, giúp hệ thống ngân hàng vận hành hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, nhiều ngân hàng thương mại kiến nghị được bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ nền kinh tế. Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết ngân hàng này được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gần 13%, tương đương tăng thêm 200.000 tỷ đồng dư nợ mỗi năm. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng này, Agribank cần bổ sung từ 15.000 - 17.000 tỷ đồng vốn tự có.

Ông Vượng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, với mức tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm từ 2025. Điều này giúp Agribank tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nhà ở xã hội và các dự án trọng điểm.

Agribank cũng gặp khó khăn trong việc cổ phần hóa do phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Ngân hàng này đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi về cổ phần hóa, tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank, đề xuất thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn.

Bà Thảo cũng kiến nghị duy trì ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho nhà ở xã hội, phát triển tín dụng số hóa và điều hành tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu.

Ngoài ra, HDBank cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ tái cấu trúc DongA Bank theo phương án chuyển giao bắt buộc, giúp ngân hàng này nhanh chóng phục hồi hoạt động và mở rộng tín dụng.

Các ngân hàng thương mại cũng thể hiện cam kết tham gia tài trợ các dự án hạ tầng lớn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank, cho biết ngân hàng này đã tham gia tài trợ cho nhiều dự án BOT như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Gần đây, TPBank cũng ký hợp đồng tín dụng 2.400 tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và sẽ giải ngân ngay trong tuần này.

Trong năm 2024, TPBank tăng trưởng tín dụng 20,25%, đồng thời giảm lãi suất cho vay với khoảng 1.900 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 92.000 khách hàng.

Tại hội nghị, nhiều ngân hàng thương mại bày tỏ sự đồng tình với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025. Đồng thời, họ tin rằng việc xóa bỏ hạn mức tín dụng sẽ giúp ngân hàng linh hoạt hơn trong việc cấp vốn cho doanh nghiệp và người dân.

Các ngân hàng cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế xử lý nợ xấu, hỗ trợ pháp lý để ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn, góp phần ổn định hệ thống tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Bình luận