Ngân hàng Nhà nước, Đà Nẵng dẫn đầu về cải cách hành chính 2016

(VOH) - Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017 và công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì diễn ra chiều 30/5. 

Một trong những cách giải quyết hiệu quả thủ tục hành chính cho người dân được nêu ra là thành lập trung tâm hành chính công một cửa liên thông. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có thể áp dụng ở một số địa phương. TPHCM và Hà Nội thì không phù hợp. 

Tại điểm cầu TPHCM

Hiện nay, cả nước có 15 địa phương thành lập trung tâm hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được thuận lợi. Tỉnh Quảng Ninh là địa phương triển khai mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tỉnh đã kết nối 14 trung tâm hành chính công cấp huyện, năm nay, phấn đấu kết nối 186 xã phường một cửa điện tử hiện đại; bố trí cán bộ các trung tâm hành chính công của cấp tỉnh, huyện: từ trưởng phòng, phó trưởng phòng có đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm... đến cuối giờ làm việc, các vị này và lãnh đạo tại địa phương đến trung tâm hành chính công phê duyệt các hồ sơ đã thẩm định. Cách làm này được nhân dân rất hài lòng.

"30/6 này, thủ tục hành chính cấp huyện, tỉnh sẽ được giải quyết, tiếp nhận, phê duyệt tại trung tâm hành chính công, thời gian giảm gần 50%. Kết quả hài lòng người dân đạt 99%”, ông Long cho biết thêm.

Tại TPHCM, thời gian qua đã tập trung giải quyết thủ tục hành chính theo chuyên đề từng lĩnh vực, TP cũng quyết liệt phân cấp, ủy quyền, xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình kết nối liên thông mang lại hiệu quả tốt cho người dân và doanh nghiệp. Hiện TPHCM đang xây dựng đề án trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020.

Chưa thành lập trung tâm hành chính một cửa

Hiện nay, TPHCM chưa thể tiến hành thành lập trung tâm hành chính một cửa. Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng cho hay: “Chính phủ chưa cho phép xây dựng trung tâm hành chánh tập trung. TPHCM, Hà Nội kẹt xe nhiều. Thành phố trên 13 triệu dân mà đi làm hồ sơ, tập trung một chỗ thì rất khó. Hiện bình quân có khoảng 30.000 hồ sơ/ngày phải xử lý, giải quyết trên địa bàn TP. Trước mắt, TPHCM xin phép chưa thành lập trung tâm hành chánh tập trung mà sẽ tiếp tục khảo sát và sẽ báo cáo Chính phủ”.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng đồng tình: “TPHCM không áp dụng trung tâm hành chính công là vì rất bất tiện, trụ sở, nhân lực, đi lại, phương tiện…các đồng chí chọn ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các quy trình tiếp nhận hồ sơ, cung cấp dịch vụ công... giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân”.

Phó Thủ tướng nhìn nhận: Nhiều lĩnh vực hiện đã có bước cải thiện đáng kể: lĩnh vực Công thương đã bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, cho phép áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất, năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện, thiết bị sản xuất nhập khẩu… Lĩnh vực giao thông vận tải đã thay đổi quy định về đổi giấy phép lái xe từ chất liệu giấy sang thẻ nhựa… 

Công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dẫn đầu thực hiện cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ, là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đạt 92,68%). Đối với địa phương: Đà Nẵng xếp hạng nhất (đạt 90,32%). TPHCM xếp thứ 15 (đạt 79,93); xếp cuối cùng là Hậu Giang (62,55%).