Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng trên cả nước.Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế mà ngành xây dựng cần phải tập trung khắc phục. Mặc dù Bộ đã tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế và đạt được nhiều kết quả quan trọng song một số nhiệm vụ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng còn chậm so với yêu cầu.
Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn chậm. Chất lượng không ít đồ án quy hoạch còn thấp, thiếu tính kết nối, đồng bộ. Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn chưa hiệu quả.Công tác quản lý đầu tư xây dựng còn những tồn tại phải tiếp tục khắc phục. Công tác kiểm soát chất lượng xây dựng còn chưa hiệu quả, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn Nhà nước. Tình trạng thất thoát lớn trong đầu tư xây dựng chưa được khắc phục triệt để.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc kiểm soát phát triển vật liệu xây dựng có nơi còn thiếu chặt chẽ.Nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bứt phá về hoàn thiện thể chế, bứt phá về đổi mới sáng tạo, bứt phá về huy động nguồn lực để phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành xây dựng phải thực hiện 3 nội dung bứt phá gồm bứt phá cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; bứt phá về chất lượng đô thị, công trình xây dựng, chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng và bứt phá về nhà ở xã hội.
Để thực hiện được 3 nội dung bứt phá đã nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ xây dựng cần dành ưu tiên cao cho việc hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý Nhà nước.
Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định của các Luật Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản... cho phù hợp.
Cùng với đó cần hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư xây dựng… Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan xây dựng các chính sách về quản lý đầu tư, đấu thầu, các mô hình đầu tư, đặc biệt là hợp tác công tư PPP làm cơ sở để triển khai các công trình đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
Yêu cầu thứ hai được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh với ngành xây dựng là tăng cường công tác quy hoạch xây dựng và bảo đảm quá trình thực hiện quy hoạch theo đúng quy định pháp luật… Cần rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phát triển của các vùng, miền, địa phương, các cực tăng trưởng…
“Việc cải tạo các chung cư cũ còn chậm, chưa có lối ra”, Phó Thủ tướng nhận xét và yêu cầu Bộ Xây dựng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ xuống cấp, gây nguy hiểm tại các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương xây dựng các chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị để cân đối nguồn lực, lộ trình, kiểm soát quá trình phát triển các khu đô thị mới, chú ý các công trình dịch vụ thiết yếu.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng công trình, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành xây dựng nâng cao chất lượng phục vụ, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong việc thẩm định, quản lý dự án, điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, vừa bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi và sự chủ động tối đa cho các địa phương.
Ngành cũng phải làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng trên các lĩnh vực để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, xử lý các thiếu sót, sai phạm; qua đó hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách liên quan; tập trung công tác tái cơ cấu, nâng cao năng lực các doanh nghiệp ngành xây dựng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.
Bộ Xây dựng phải có các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở giá thấp; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội…/.