Chờ...

Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước

VOH - Ngày 23/5, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ tư của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 23/5, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Các đại biểu cũng thảo luận ở tổ với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

quoc-hoi-23-5
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều 22/5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại phiên thảo luận đã có 28 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 1 ý kiến đại biểu tranh luận.

Về cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông trong máu, hơi thở có nồng độ cồn. Đa số đại biểu đã thống nhất và đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn về kết quả đo và xét nghiệm.

Về đấu giá biển số xe ô tô, nếu quy định chỉ quy định nội dung, còn trình tự thủ tục thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản.

Về giấy phép lái xe và điểm trừ của giấy phép lái xe, quy định sát hạch lại sau khi trừ hết điểm cần giao cho một cơ quan cho thống nhất về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, như Bộ Giao thông Vận tải…

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo luật gửi Ủy ban Pháp luật để rà soát văn bản. Chuẩn bị các nội dung để xin ý kiến bằng phiếu với đại biểu đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau.