Ngày 5/6: Quốc hội thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

VOH - Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 5/6 Quốc hội thảo luận ở tổ về 3 dự án luật: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội sẽ nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cuối phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ngày 5/6: Quốc hội thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) 1
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV - Ảnh: Quochoi.vn

Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), quy định về 6 trường hợp áp dụng “can thiệp sớm” tổ chức tín dụng.

Trong đó, ngoại trừ trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, sẽ quy định ba trường hợp tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài.

Đây là những ngân hàng không duy trì được tỉ lệ khả năng chi trả trong thời gian ba tháng liên tục; không duy trì được tỉ lệ an toàn vốn trong thời gian 6 tháng liên tục; số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ…

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc “can thiệp sớm” là khi ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Do đó, cần rà soát các quy định can thiệp sớm phù hợp, luật hóa những trường hợp giám sát tăng cường cho đúng bản chất.

Một số ý kiến còn đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng cũng như cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra các trường hợp trên mà chưa có các biện pháp xử lý kịp thời ngay từ đầu.