Ngày 28/6, tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre phối hợp cùng các Sở Ban ngành tỉnh tổ chức ngày hội trưng bày với chủ đề “Nguyễn Đình Chiểu – Cuộc đời và sự nghiệp”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 – 1/7/2022), Ngày hội truyền thống văn hoá (1/7) và đón nhận bằng công nhận Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Tổ chức UNESCO.
Có hơn 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh…liên quan đến của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được trưng bày tại ngày hội. Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822, mất năm 1888, tên thường gọi là Đồ Chiểu. Ông là người học rộng tài cao, từng đỗ tú tài. Đến năm 1847, ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849 nhưng trớ trêu thay mẹ ông mất. Vì quá thương nhớ mẹ mà ông đã khóc đến mù lòa hai mắt. Sau thời gian đó, Pháp xâm chiếm Gia Định, ông về ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây ông vẫn tiếp tục dạy học và làm thầy thuốc, dù bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn tích cực dùng văn chương để kêu gọi lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân.
Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu làm rung động cả những kẻ đi xâm lược, khiến người Pháp phải có cái nhìn khác về con người Việt Nam, vạch trần tội ác của thực dân phương Tây, nói lên niềm đau xót thương cảm với đồng bào.
Năm 1862 Pháp chiếm Nam Kỳ và mở rộng chiến tranh ra Bắc Kỳ, song theo các nghiên cứu thì năm 1864, tác phẩm “Lục Vân Tiên” đã được dịch ra tiếng Pháp với bản dịch của G. Aubaret. Năm 1873, khi chiến sự vẫn nóng bỏng thì “Lục Vân Tiên” tiếp tục được dịch sang tiếng Pháp với bản dịch của Janneau. Tiếp sau đó là các bản dịch của Abel des Michels (1883), E. Bajot (1886), Nghiêm Liễn (1927), Dương Quảng Hàm (1944), Lê Trọng Bổng (1997). Trong số này có 4 bản dịch xuất bản ở Pháp, 3 bản xuất bản tại Việt Nam.
Được biết, ngày 23/11/2021 tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), đã thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu và tham gia kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.
Vì vậy, ngày hội chính là dịp để công chúng trong nước và quốc tế có dịp tiếp cận với tài liệu, hiện vật liên quan đến Nhà thơ yêu nước, Nhà văn hoá, nhà giáo, người thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu, mang tầm vóc về giá trị lịch sử, văn hoá, tư tưởng yêu nước và nhân cách sáng ngời. Các giá trị nhân văn tốt đẹp, và những thông điệp về tinh thần nghĩa hiệp của ông.
Đặc biệt, lần đầu tiên tại tỉnh Bến Tre ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 vào bảo tàng trưng bày, giúp du khách có thể trực tiếp tham quan tại khu vực triển lãm chỉ trên điện thoại hoặc các thiết bị thông minh. Khách tham quan có thể tự di chuyển qua từng khu vực trưng bày và đọc được thông tin giới thiệu khi nhấp vào hình ảnh hoặc biểu tượng cần tìm kiếm. Mỗi khu vực sẽ có người thuyết minh kèm với nội dung cho du khách dễ dàng nghe nhìn và hiểu sâu sắc hơn về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, người đã có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà.