Ngày làm việc thứ hai: Hội nghị Trung ương 6 thảo luận hai vấn đề chính

(VOH) – Ngày 4/10, ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nội dung này do Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận. 

Trong phát biểu khai mạc về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đây là vấn đề rất cơ bản, rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn".

Ngày làm việc thứ hai: Hội nghị Trung ương 6 thảo luận hai vấn đề chính 
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. 

Buổi chiều ngày làm việc thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là một nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Theo đó, cần những giải pháp mới, có tính đột phá, khả thi cao nhằm tiếp tục phát huy thật tốt những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công đã đạt được; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân được rút ra trong quá trình tổng kết để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại.

Trong đó, Tổng Bí thư lưu ý, nhận thức lý luận về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng còn có những vấn đề chưa thật rõ. 

Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng trong công tác lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng tuy đã có nhiều đổi mới và có đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp, việc tự kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế.

Bình luận