Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9/11) - Ngày thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

(VOH) - Năm 2012, Quốc hội đã chọn và quyết định lấy ngày 9/11, ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của nước ta là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa và các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Pháp luật Việt Nam, phóng viên VOH phỏng vấn ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố.

Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM tại buổi trình bày phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam ở trường ĐH Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: hcmufa

* Chủ đề của Ngày Pháp luật nước ta năm 2014 là gì và ngày này được tổ chức thực hiện vào thời gian nào?

- Ông Trần Văn Bảy: Chủ đề năm 2014 Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2014 được tổ chức thực hiện từ ngày 01/10/2014 đến hết ngày 30/11/2014. Trong đó, tập trung cao điểm, triển khai đồng loạt các hoạt động chính của cơ quan, đơn vị, địa phương nhân kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam vào tuần lễ từ ngày 3/11/2014 đến ngày 9/11/2014.

* Kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam tại TP.HCM năm 2014 nói chung và hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố nói riêng có những điểm gì mới so với năm 2013 ?

- Ông Trần Văn Bảy: Năm nay TP.HCM tập trung tổ chức một số hoạt động mới cả về nội dung và hình thức, rộng và sâu hơn so với năm 2013, phát huy sáng tạo của chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Phối hợp với Báo SGGP, SGGP Hoa văn, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc TP... in ấn, phát hành Tờ gấp song ngữ Việt – Hoa cho tất cả các hộ gia đình người Hoa đang sống trên địa bàn Thành phố; phát hành Tờ gấp song ngữ Việt – Anh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh khi đến đầu tư, kinh doanh, làm việc tại Việt Nam. 

Phối hợp với Sở VH-TT, Trung tâm thông tin triển lãm và UBND 24 quận, huyện treo băng rôn, pa-nô, áp phích… cổ động trực quan nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, tuyên truyền một số nội dung cơ bản của Hiến pháp trên các trục đường chính, các khu vực trung tâm Thành phố.

Phối hợp với Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh phát hành Phụ trang trong Tuần lễ Ngày Pháp luật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên truyền về “Một số nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013”; một số nội dung mới của Luật Đất đai, Luật Biển, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; các quy định về tín dụng đối với hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa... đến đội ngũ hòa giải viên, Tuyên truyền viên pháp luật và các đối tượng là nông dân, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân thành phố.

* Các hoạt động trong Ngày Pháp luật Việt Nam cần hướng tới những nội dung và hình thức nào để ngày này thực sự là một điểm nhấn, tạo bước chuyển biến trong xã hội góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân?

- Ông Trần Văn Bảy: Theo tôi, các hoạt động trong dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam cần tập trung vào các nội dung :

- Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;

Các hình thức tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rất đa dạng, phong phú, các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể lựa chọn một hoặc nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm, tình hình cơ quan, đơn vị, địa phương mình như mít tinh; hội thảo; tọa đàm về pháp luật; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; hoặc các hình thức khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

* Cảm ơn ông.