Ngày Tết của công nhân bãi rác

(VOH) - Theo quy định công nhân vệ sinh sẽ được nghỉ ngày Mùng 1 và Mùng 2 tết Âm lịch, tuy nhiên, khoảng 30% nhân sự của ngành được giữ lại để phục vụ xuyên suốt 24/24 kể cả đêm giao thừa...

Theo Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố, tết Kỷ Hợi 2019 lượng rác thải có thể tăng hơn nhiều so với mọi năm, với khối lượng rác thải sinh hoạt trung bình hiện nay ở mức 8.000 đến 8.500 tấn/ngày và theo dự báo con số này sẽ tăng cao trong dịp tết Nguyên đán.

Nghe bài viết:

Theo quy định công nhân vệ sinh sẽ được nghỉ ngày Mùng 1 và Mùng 2 Tết Âm lịch, tuy nhiên, khoảng 30% nhân sự của ngành được giữ lại để phục vụ xuyên suốt 24/24, kể cả đêm giao thừa nhiều công nhân lại tụ tập vây quần bên bãi rác để chia sẻ thời khắc của năm mới, chia sẻ về công việc của ngành. 

công nhân bãi rác, rác, công nhân rác

Công nhân vệ sinh Công ty TNHH Xử lý chất thải Đa Phước chia sẻ với PV VOH về những ngày làm việc xuyên Tết.

Đã hơn 6 giờ chiều ngày cuối năm, nhìn dòng người hối hả ngược xuôi mua sắm chở quà cáp cồng kềnh vội vã lướt qua Trạm trung chuyển rác Thủ Đức, ông Nguyễn Thanh Bình không khỏi cám cảnh vì đến giờ phút này ông vẫn chưa được nghỉ ngơi để mua sắm cho gia đình mình. Ông chia sẻ: là dân nhập cư lên thành phố, không nghề nghiệp, học hành… may mắn lắm mới xin được vô làm công nhân vệ sinh để nuôi bản thân và gia đình, đã hơn 20 mùa tết trôi qua là hơn 20 lần tâm trạng ông nôn nao, tủi thân, nhưng từ từ cũng thành quen, ông tự an ủi thôi thì đó là cái nghiệp mà mình đã chọn, ba ngày tết cũng qua nhanh thôi, miễn sao công việc được chu toàn và có thêm thu nhập để cuộc sống bớt cơ cực hơn.

Tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước những ngày giáp Tết không khí khá yên bình, bởi sự quan tâm của ban lãnh đạo đơn vị, mặc dù phải làm vất vả ngay cả đêm giao thừa, lúc mà mọi người vui xuân thì công nhân bãi rác phải túc trực làm công việc của mình. Ông Tống Tống Bình, một công nhân vệ sinh làm việc nhiều năm ở đây chia sẻ dù không về đón giao thừa cùng vợ con được nhưng những ngày trước tết Công ty TNHH Xử lý chất thải Đa Phước (VWS) cho nghỉ để phụ dọn dẹp, mua sắm chuẩn bị tết cho gia đình, nên những ngày này trực tết để các em công nhân trẻ về sum họp với gia đình thì cũng không sao. 

"Những ngày tết này, anh em công nhân người ta nghỉ, riêng công ty này thì phải làm, bởi vì rác nhiều quá công nhân phải làm suốt. Bãi rác hàng ngày phải tiếp nhận hơn cả chục tấn rác nên mình làm suốt kể cả đêm giao thừa", ông Bình cho biết.

Cũng thâm niên ‘tuổi nghề” như ông Bình, công nhân Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, đêm giao thừa ai cũng mong được ngồi cạnh nhau chia ngọt sẻ bùi, nhưng mình thì lớn tuổi nên hy sinh cho tụi nhỏ một chút, nhà cũng gần công ty nên có gì tranh thủ về cũng được, vả lại một ngày mà công ty đóng cửa công nhân vệ sinh mà không có ai làm chắc thành phố này ngập rác. "Đây cũng là năm thứ 9 tôi làm công việc này, năm nào cũng vậy cứ đến dịp tết là rác nhiều lắm cho nên phải bắt buộc ở lại làm kể cả ngày 30, mồng 1, mồng 2 để cho thành phố sạch đẹp trong những ngày xuân…còn chuyện đi thăm hỏi ngày tết thì rảnh mới đi được chủ yếu có tiền lo cho gia đình là ổn rồi", chị Lan chia sẻ.

Đi du xuân trên những con phố không rác của thành phố ít ai có thể ngờ rằng để đường phố đẹp như vậy là cả một sự hy sinh thầm lặng của người công nhân vệ sinh, vất vả, quần quật bên bãi rác bốc mùi những ngày trước tết rồi sau tết và cùng nhau đón giao thừa bên bãi rác.

Có thể nghề chọn người chứ không ai muốn mình sinh ra mà chọn một cái nghề cực khổ như công nhân vệ sinh. Đã hơn 10 năm nay, chưa một lần đón giao thừa cùng cả nhà hay ăn được bữa cơm tất niên cùng gia đình, chị Nguyễn Thị Mây, công nhân vệ sinh đường phố cho biết, nhìn đường phố sạch đẹp, các gia đình vui đón xuân thì mình cũng quên đi phần nào nỗi cực nhọc. "Chị em công nhân trong này là tám chín người phải chia ca làm việc suốt ngày để đảm bảo vệ sinh môi trường trong những ngày lễ hội, hầu như ai cũng gác lại chuyện gia đình để làm tốt công tác", chị Mây nói.

Công việc tuy vất vả, song nhiều người chẳng dành ánh mắt thiện cảm cho công nhân vệ sinh mà quên mất rằng nếu không có họ thì thành phố này liệu có sạch đẹp để người dân đón giao thừa với quần là áo lụa, nói cười hạnh phúc bên gia đình. Chỉ một câu chào hỏi, cử chỉ quan tâm cũng đủ làm họ ấm lòng và cần mẫn hơn trong công việc, nhưng rất tiếc cử chỉ đẹp ấy thường hiếm thấy.

Bà Lê Thị Thu Trang, Phó Phòng Quản lý Công ty Dịch vụ công ích Tân Bình cho biết mình rất đồng cảm với anh em trong nghề, chính vì thế sự hỗ trợ của công ty và những lời động viên chính là động lực để người công nhân gắn bó với nghề. Bà Trang cho biết thêm: "Mặc dù công nhân vệ sinh được nghỉ tết ngày mùng 1 và mùng 2, nhưng các đội vệ sinh vẫn có người túc trực để thu gom, quét rác trên các tuyến đường chính trong những ngày cao điểm tết".

Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, Công ty Môi trường đô thị TP và các đơn vị trực thuộc huy động gần 2.000 công nhân vệ sinh cùng các phượng tiện vận chuyển như: xe ép rác nhỏ và lớn, xe tải, xe cơ giới…nhằm đảm bảo xử lý lượng rác thải tăng cao.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận chuyển số 3, cho biết anh em công nhân được nghỉ ngày 2 ngày Tết, nhưng nhiều khi sáng ngày mùng 2 là anh em phải vào làm việc lại. Một số công trường anh em cũng phải chuẩn bị vệ sinh như: các chợ đầu mối, còn các khu vực công trường thì mùng hai tết cũng phải vào để vệ sinh lại một lần nữa, để sáng ngày mùng 3 lại tiếp tục nhận lại rác như những ngày bình thường. Bằng nỗ lực của mình, công ty cố gắng làm sao để các tuyến đường TP sạch trong những ngày tết, riêng anh em công nhân vệ sinh sẽ túc trực cho đến đêm giao thừa.

Được ăn ngon, mặc đẹp, đi dạo phố trong những ngày lễ tết là niềm mơ ước của nhiều công nhân đã gắn đời mình lên bãi rác, nhưng vì cái chung đẹp đẽ của thành phố nên phải hy sinh, chính vì thế họ cần thêm những ưu ái những chăm lo từ phía người quản lý để có động lực và niềm tin vào cuộc sống. Chị Phan Huỳnh Mai, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH xử lý chất thải Đa Phước, cho biết đối với ngành vệ sinh đặc thù của công ty thì ngoài việc chăm lo chế độ cho công nhân như thăm hỏi, hỗ trợ khám bệnh, tặng tiền thưởng…thì trong những ngày tết công nhân nào ở lại trực thì công ty cũng có những phần thưởng khích lệ để động viên.

Sinh ra không ai muốn chọn cho mình một cái nghề như vậy, nhưng vì nhiều yếu tố họ buộc phải để công việc chọn mình và từ đó gắn bó nghề như một chữ “duyên”, khó mà dứt bỏ. Đã có nhiều gia đình trải qua ba thế hệ cùng gắn bó với nghề như định mệnh, mặc dù biết là độc hại, khổ thân nhưng chưa bao giờ thấy ai than vãn, họ cặm cụi lúc giữa trưa, lúc nữa đêm hay tìm niềm vui nhỏ ở một góc tối của hè phố…để rồi xong giao thừa lại lặng lẽ cầm chổi tiếp tục làm công việc “phận người với bãi rác”. Họ thực hiện đúng nghĩa vụ của một công dân của thành phố, chính vì thế mỗi mẩu rác mà người đi đường vứt lại chính là gánh nặng người công nhân vệ sinh trong những ngày lễ tết./.