Nghề công tác xã hội: Thiếu hụt nhân sự được đào tạo bài bản

(VOH) - Sáng 6/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện “Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng phát triển giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn TPHCM”.

 Một hội trại nghệ thuật cho trẻ khuyết tật do một nhóm tình nguyện tổ chức tại TPHCM. (Ảnh minh họa: Dantri)

Khó tìm việc làm

Mặc dù CTXH được công nhận là một nghề, tuy nhiên trên thực tế khi chia sẻ tại hội nghị những người làm CTXH vẫn chưa thực sự yên tâm với nghề.

“Em chọn ngành này theo sở thích thôi chứ em cũng giống như nhiều bạn bị gia đình phản đối vì đầu ra khó mà công việc lại vất vả nữa".

"Các bạn sinh viên ra trường thì không có cơ hội làm công việc này nhiều nên các bạn thường chuyển sang làm một ngành nghề khác”.

Theo ông Trần Công Bình, cán bộ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - Phó chủ nhiệm CLB CTXH chuyên nghiệp TPHCM, để có việc làm ngay khi ra trường thì khi còn đi học các bạn sinh viên phải chấp nhận những công việc nhỏ, những công việc khó khăn. Nhờ vậy, mới rèn luyện được kiến thức, kỹ năng, thái độ, tích lũy thêm kinh nghiệm và nâng cao năng lực bản thân, từ đó mới có thể có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

“Nhìn chung việc tuyển dụng và bố trí những nhân lực được đào tạo này vẫn còn rất nhiều hạn chế. Nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp chưa nhận được việc làm phù hợp với cái nghề mình được đào tạo. Trong khi đó nhu cầu cần những người làm CTXH được đào tạo thì lại thiếu nhiều nhân sự được đào tạo bài bản”, ông Bình cho biết thêm.

Nhiều hạn chế trong công tác đào tạo

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề công tác xã hội ở các trường Đại học, Cao đẳng vẫn còn một số bất cập, đội ngũ giảng viên đa số từ các ngành gần như xã hội học, tâm lý…chuyển sang giảng dạy. Và giảng viên phải tự trang bị kiến thức trong lĩnh vực công tác xã hội.

Ngoài ra, chính sách thu hút giáo viên có trình độ và năng lực trong công tác xã hội ở các trường công vẫn còn rất hạn chế, phần lớn giảng viên chỉ dựa trên tâm huyết để giảng dạy là chính. Chương trình giảng dạy lại thiếu cơ sở thực hành chuyên nghiệp và còn nặng về lý thuyết.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Toàn – Trưởng khoa đào tạo thường xuyên Trường Đại học Lao động Cơ sở 2, cho hay: "Chúng tôi sẽ cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo. Những người tham gia chương trình giảng dạy có trình độ chuyên sâu hơn, sẽ chọn những thầy cô có kinh nghiệm lâu năm, có học hàm học vị tốt hơn để giảng dạy những lớp đã hợp đồng với TP”.

Cần sự dấn thân

Thực tế hiện nay ở các nước có nghề CTXH được chuyên nghiệp hóa đều bao gồm các yếu tố: hệ thống pháp luật quy định về hành nghề, hệ thống giáo dục và đào tạo đạt chuẩn chuyên ngành, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thang bảng lương, hiệp hội nghề. Ngoài ra, người làm CTXH phải có lòng yêu nghề, tự trau dồi kỹ năng cũng như kiến thức cho bản thân.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm CTXH thuộc Liên Đoàn LĐ TP cho rằng: “Những người không có tâm huyết với ngành nghề, hoặc không có đam mê với CTXH thì không nên. Vì chúng ta đã xác định công việc xã hội là công việc thu nhập rất thấp nhưng cống hiến cho xã hội nhiều và không có công việc XH nào mà nó giống công việc XH nào, vì vậy các bạn phải xác định lại, phải gắn bó bằng chính cái tâm của người làm CTXH mới làm được”.

Nghề công tác xã hội đòi hỏi ngoài kiến thức, kỹ năng còn là sự dấn thân của người theo nghề. Vì nghề này có thể làm cho ta giàu hơn về lòng nhân ái chứ không thể giàu về mặt vật chất. Nên những người chọn ngành công tác xã hội không chỉ ở sở thích giúp đỡ, hỗ trợ người khó khăn mà còn đòi hỏi ở bản lĩnh để theo đuổi và gắn bó với nó lâu dài.

Tại TPHCM hiện có 454.000 người cao tuổi, 49.700 người khuyết tật, 51.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 110.000 người hưởng trợ giúp hàng tháng. Tuy nhiên, toàn TP chỉ có trên 4.000 nhân viên ngành CTXH với 53 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, 16 cơ sở công lập cung cấp dịch vụ cho trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần... Đặc biệt hơn, những đối tượng này thường rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, như trẻ em đường phố, người bệnh, các đối tượng nghiện hút, gái mại dâm…