Nghệ sĩ hồi tưởng những kỉ niệm xúc động về Bác Hồ

(VOH) - Những câu chuyện xúc động về Bác qua lời kể của các văn nghệ sĩ từng may mắn được gặp Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là người anh hùng dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Bác đã dành cả cuộc đời mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. 

Tuy Bác đã đi xa, nhưng công lao của Bác, hình ảnh và tình yêu bao la của Bác vẫn còn mãi với đất nước, với non sông Việt Nam. Di sản tinh thần vô giá Bác để lại cho dân tộc đó là tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng để lớp lớp các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

Bác luôn dành tình yêu thương cho mọi giới, mọi tầng lớp, với văn nghệ sĩ Bác cũng dành rất nhiều sự quan tâm và động viên, Bác từng nói “nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”.

NSƯT Ca Lê Hồng

NSƯT Ca Lê Hồng có 50 năm hoạt động ở lĩnh vực sân khấu, ngoài diễn xuất, đạo diễn, còn góp phần đào tạo ra nhiều nghệ sĩ, diễn viên tên tuổi cho sân khấu cả nước.

50 năm trôi qua với biết bao thăng trầm của một đời nghệ sĩ, có biết bao người thầy đã học hỏi, biết bao kỷ niệm đã đi qua nhưng những kỷ niệm về Bác luôn là hành trang lớn cho NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng.

Tập kết ra Bắc từ năm 16 tuổi với công việc của nữ dân công, may mắn khi gặp Bác trong những chuyến biểu diễn, câu chuyện về Bác được NSƯT Ca Lê Hồng kể lại trong niềm xúc động khôn tả.

NSƯT Ca Lê Hồng kể: "Lần đó tôi được đi vào thăm Bác, tại nhà sàn của Bác, chúng tôi ngồi ở bàn và chờ Bác, tôi thấy Bác từ trên gác đi xuống, Bác mặt bộ đồ pijama màu nâu, Bác choàng cái áo.

Khi Bác vừa xuống thì chúng tôi chạy òa tới ôm Bác. Bác cũng ôm chúng tôi, xúc động không nói được gì.

Bác bảo nào nào các cháu ngồi xuống đây. Sau đó Bác cho kẹo và Bác hỏi: “Các cháu thường làm gì, thì tôi nói là chúng cháu là văn công, hằng ngày chúng cháu tập chuyên môn, ngoài ra là học văn hóa” - vì chúng tôi khi đó mới tập kết ra Bắc, tập trung làm chuyên môn, không có điều kiện học chính quy.

Bác dặn chúng tôi: “Hát hay, múa giỏi, nhưng văn hóa cũng phải giỏi, không có văn hóa thì các cháu không thể nào nâng cao trình độ biểu diễn được”.

Sau này Bác Hồ, Đảng cho con em miền Nam đi học nước ngoài và tôi được đi học đạo diễn ở Liên Xô. Đó cũng là những năm tháng mà tôi không thể nào quên và chính những lời nhắc nhở của Bác giúp tôi học tốt để sau này trở về miền Nam đóng góp cho đào tạo của trường nghệ thuật sân khấu 2 (tức Trường Sân khấu điện ảnh bây giờ)”.

NSƯT Thanh Vy

NSƯT Thanh Vy thành danh từ trước năm 1975, là đào chánh của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (trước đây là Đoàn cải lương Nam bộ).

Cũng có 50 năm tỏa sáng với biết bao vai diễn, cũng đi qua biết bao quãng đường vui buồn của đời và nghiệp diễn. Có những tháng năm sân khấu gặp nhiều khó khăn, cuộc sống người nghệ sĩ bấp bênh vô cùng nhưng chính những kỷ niệm với những lần gặp Bác đã nâng thêm tinh thần nghệ sĩ, tự dặn lòng dù làm gì thì cũng phải giữ nghề, phải làm nghề để xứng đáng với công chúng với nhân dân.

NSƯT Thanh Vy nhớ lại: “Có 1 kỷ niệm tôi không bao giờ quên là Bác Hồ đã kêu chúng tôi vào diễn cho khách nước ngoài. Đó là 1 khán phòng, Bác và các vị khách quốc tế, khán giả chỉ ngồi cách diễn viên 7-8 m thôi. Đến cảnh mà tôi phải nói câu “Đường ngay ta cứ đi, trái tim ta là của nhân dân, của Đảng”, tiếng súng cất lên, dàn đồng ca cất lên, tôi đang diễn, lúc tôi đang nhìn trừng trừng thì tôi nhìn qua thấy Bác từ từ Bác cúi xuống, rất tình cảm.

Bác chậm nước mắt, tôi cũng xúc động quá nên bị thoát vai, thay vì phải đứng như một bức tượng, mắt không được chớp thì không hiểu sao lúc đó mắt tôi nước mắt cũng tuôn chảy ra.

Khi dứt dàn đồng ca thì Bác vẫy tôi lại và Bác hôn lên trán, Bác cho cái kẹo rồi tất cả ùa tới ngồi xung quanh Bác. Đó là 1 kỷ niệm mà bao nhiêu năm nay khi làm nghệ thuật nó luôn động viên tôi, trong những lúc khó khăn, gian khổ mình đều vượt qua hết”.

Họa sỹ Phạm Thanh Tâm

Bộn bề với trăm công ngàn việc của đất nước, ngay cả lúc sức khỏe không tốt, Bác vẫn luôn dành thời gian thăm hỏi, động viên các đơn vị chiến đấu, các tầng lớp nhân dân.

Một trong những hình ảnh đáng nhớ, xúc động nhất trong trái tim những văn nghệ sỹ từng có cơ hội gặp Bác, đó là khoảng thời gian năm 1969, khi sức khỏe của Người không còn như trước.

Mùa xuân năm đó, Bác đến thăm triển lãm tranh của bộ đội tại Câu lạc bộ Thống Nhất Hà Nội. Tin Bác đến làm các họa sỹ vừa bất ngờ, vừa sung sướng.

Họa sỹ Phạm Thanh Tâm, một trong những người sưu tầm, tập hợp tranh của các chiến sỹ để trưng bày triển lãm không thể quên giây phút được nhìn thấy Bác: “Bác còn yếu nhưng xem rất kỹ, xem từng bức tranh. Bác dừng lâu trước một ký họa của anh Huỳnh Phương Đông, các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã chụp cảnh này và công bố ngay sau đó để toàn dân vui mừng vì sức khỏe Bác đã phục hồi. Nhưng đó là lần đi xem triển lãm cuối cùng của Bác.

Và khi hay tin Bác mất, họa sĩ Phạm Thanh Tâm không giấu được nỗi đau, thế nhưng lời Bác dặn vẫn nằm trong tim ông và các chiến sĩ. Biến nỗi đau thành hành động, để thể hiện tấm lòng kính yêu dành cho Bác, ông đã vẽ bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân ” như lời dặn dò Bác lúc nào cũng sống trong trái tim của đồng bào và chiến sĩ.

Ông chia sẻ: “Hai ngày đêm liền tôi ngồi tôi vẽ bức tranh này với ý tưởng là “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Tôi vẽ gì đây trong sự xúc động này? Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng, bình thường qua các cuộc hành quân trong kháng chiến, chúng tôi đi hành quân thì luôn luôn cảm thấy có Bác bởi lý tưởng mà Bác đã cho chúng tôi những người lính trẻ: về lý tưởng chiến đấu và xây dựng đất nước ta sau này sẽ như thế nào, to đẹp đàng hoàng hơn.

Tôi vẽ bức tranh này 2 ngày liền sau khi Bác mất và đến mùng 6/9, tức là sau ngày Bác mất 3 ngày thì được báo quân đội nhân dân đăng lên trang đầu bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.

Ca sĩ Nguyệt Ánh

Câu chuyện về Bác của ca sĩ Nguyệt Ánh, phu nhân của nhạc sĩ Dzoãn Nho cho thấy sự giản dị trong tính cách của Bác

Ca sĩ Nguyệt Ánh kể: “Trước khi vào Tây Nguyên, chúng tôi được Bác cho vào gặp.

Bác hỏi chúng tôi là “Các cháu vào trong đó có tủ gì không”, chúng tôi đều trả lời là có ạ. Cái câu có tủ là câu mà bao giờ Bác gặp chúng tôi Bác cũng đều hỏi, các cháu hôm nay có tủ gì mới không tức là có tiết mục gì mới không.

Sau đó Bác căn dặn là các cháu vào chiến trường sẽ rất gian khổ, khốc liệt, nếu chẳng may gặp lá han thì phải làm thế nào. Lúc đó tôi có trả lời là: “Thưa Bác! Chúng cháu lấy xôi lăn ạ”, lúc đó Bác cười trả lời: “Xôi còn không có cho vào miệng thì lấy gì mà lăn, thế là Bác cháu cùng cười”.

Đạo diễn Dương Cẩm Thúy

Nhà biên kịch, đạo diễn Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội điện ảnh TPHCM, dù chưa một lần gặp Bác nhưng bà dành cho Người rất nhiều tình cảm tôn kính.

Bà mang hết sự trân trọng đó vào  những bộ phim tư liệu về Bác, có những bộ phim phải làm ròng rã 4, 5 năm, rất cực khổ, rất khó khăn nhưng chính tình yêu dành cho Bác là động lực để bà hoàn thành tất cả các bộ phim.

Tính đến nay đã có 4 bộ phim về đề tài này, bộ phim nào cũng đạt nhiều giải thưởng, bà là nữ đạo diễn duy nhất đạt các giải thưởng này.

4 bộ phim tài liệu về Bác thực hiện ròng rã trong suốt 10 năm để lại trong lòng bà rất nhiều ký ức khó quên, các bộ phim gồm: Bác Hồ trong trái tim miền Nam (5 tập, bà thực hiện tập 4 năm 2011), Từ thành phố này Người ra đi - 100 năm sau (năm 2013), Những đêm chiến khu chờ nghe thơ Bác (năm 2013), Nơi ấy còn là trường học (6 tập năm 2015).

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, nhớ về Bác, lòng bà lại dạt dào biết bao cảm xúc: Chúng tôi chưa biết mặt, chỉ nghe những câu chuyện kể thôi, nhưng cả gia đình tôi đều đi kháng chiến nên tình cảm dành cho Bác Hồ là một điều gì đó rất thiêng liêng và cũng rất tự nhiên.

Thực sự đã có rất nhiều bộ phim làm về đề tài Bác Hồ nên đó là một áp lực, một cái khó khăn rất lớn đối với tôi. Nhưng có lẽ đó là do trách nhiệm, do tình cảm lớn mà chúng tôi dành cho Bác. Khi đi làm thì ở đâu chúng tôi cũng thấy tình cảm của mọi người dành cho Bác rất lớn, đặc biệt là đồng bào miền Nam và thực sự là không có bộ phim nào của tôi mà tôi nói hết được điều đó.

Bên cạnh đó thì tình cảm mà Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam cũng lớn lao vô cùng qua những văn bản, những câu chuyện hồi ký của những người đã từng sống, từng gặp, từng ở bên cạnh Bác thì mới thấy là tình cảm Miền Nam với Bác, Bác với miền Nam không thể nào tả hết được”.