Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018

(VOH) - Không tăng giá điện trong năm 2018; tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí BOT;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện đồng bộ, có kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 19-2018/NQ-CP, 35/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; quyết tâm hành động, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công việc, chú trọng khắc phục tồn tại, yếu kém; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018

Không tăng giá điện trong năm 2018 là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Ảnh minh họa: internet

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các bộ, cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động theo dõi sát thay đổi chính sách của các đối tác lớn, các nước trong khu vực, diễn biến tình hình khu vực và quốc tế, nhận diện rõ thời cơ, thách thức để có đối sách, giải pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ và tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cập nhật kịch bản tăng trưởng quý theo từng ngành, lĩnh vực; đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát đã đề ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2018. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tiếp tục thông báo số vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2017 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn được giao bổ sung từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương trong năm 2017 sang năm 2018.

Không tăng giá điện trong năm 2018

Các bộ, ngành, địa phương bám sát kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương đã đề ra, đánh giá tình hình thực hiện và kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm, chủ động giải pháp chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2018. Tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt; thực hiện các giải pháp bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương kiểm soát, ngăn chặn tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là chi mua sắm, hội họp. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt chẽ kê khai và hoàn thuế; chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại. Có giải pháp tổng thể phát triển ổn định thị trường chứng khoán, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp biên giới thực hiện quyết liệt các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Các bộ, cơ quan quản lý giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các công cụ, giải pháp phù hợp, điều hành thận trọng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý; không tăng giá điện trong năm 2018; xem xét thời điểm, mức độ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục phù hợp, bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Bảo đảm an toàn đê, kè, công trình thủy lợi trong mùa mưa bão

Bộ Công Thương triển khai hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp; tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo ra sản phẩm thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc phạm vi quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan liên quan tăng cường tiếp xúc, giải trình, vận động các đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Thực hiện hiệu quả giải pháp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; có chiến lược, bước đi phù hợp phát triển mạnh thị trường trong nước, bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, công trình thuộc ngành. Điều hành giá xăng dầu theo quy định và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu góp phần kiểm soát lạm phát.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mực nước sông, suối, hồ đập, có giải pháp bảo đảm an toàn đê, kè, công trình thủy lợi, đặc biệt tại 55 điểm sạt lở nghiêm trọng trong mùa mưa bão. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, theo dõi diễn biến giá các mặt hàng nông sản, kịp thời chỉ đạo điều chỉnh sản xuất và triển khai các giải pháp phù hợp. Phối hợp với Bộ Công Thương thúc đẩy đàm phán, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có biển triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không được khai báo và không được kiểm soát. Thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các vi phạm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc lâm sản xuất khẩu sang Châu Âu.

Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản để chủ động có giải pháp phù hợp, đặc biệt là việc quản lý giá thép, bảo đảm đủ nguồn cung cho nhu cầu xây dựng.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí BOT

Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thiện các dự án luật theo phân công, trình Chính phủ đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Rà soát, đánh giá tình hình triển khai Đề án cơ cấu lại tổng thể ngành giao thông vận tải và các đề án cơ cấu lại các lĩnh vực, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; dự án cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngoài ra, rà soát, tổ chức, sắp xếp lại, hiện đại hóa hệ thống gác chắn đường ngang với đường sắt; phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm các điểm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nhất là tại các nút giao cắt giữa đường sắt và đường ngang dân sinh. Phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm soát xe quá khổ, quá tải, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí BOT, nhất là tại các trạm BOT đã được quyết toán.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung đẩy mạnh xúc tiến du lịch một số điểm đến có sản phẩm du lịch nổi bật, có tính cạnh tranh. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ, du lịch. Nghiên cứu việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch quốc tế tại Việt Nam phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch. Chấn chỉnh, tổ chức hoạt động của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học năm 2018, bảo đảm thuận lợi cho thí sinh. Chỉ đạo và kiểm tra các địa phương thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng nhà vệ sinh trường học. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương triển khai các giải pháp thiết thực phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, nhất là trong dịp nghỉ hè.

Xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành y tế và giáo dục của một số địa phương

Bộ Nội vụ khẩn trương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biên chế công chức năm 2019 trước ngày 20/7/2018. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về: cải cách chính sách tiền lương; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trình Chính phủ trước ngày 25/6/2018. Xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành y tế và giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số do cơ học, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra, kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ sai quy định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt chính sách người có công nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27 tháng 7, các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trình Chính phủ trước ngày 25/6/2018. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án đào tạo nghề cho người thất nghiệp, mất việc làm, sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp do chuyển đổi cơ cấu có nguy cơ gây mất việc làm cho người lao động từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và các bộ, cơ quan liên quan xử lý các vấn đề liên quan đến việc rà phá bom mìn, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ và tu bổ, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên.

Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện căn bản chất lượng nhà vệ sinh trong bệnh viện. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn Bộ Y tế xử lý những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.

Tập trung kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế

Tổ công tác kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh hoạt động, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; chế độ tiếp công dân định kỳ; quản lý, sử dụng biên chế; thực hiện văn hóa công sở.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, không để xảy ra tình trạng công dân tập trung khiếu kiện đông người ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao chất lượng công tác cảnh báo thiên tai, dự báo thời tiết. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả đất nông lâm trường tại Tây Nguyên.

Các bộ, cơ quan liên quan phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị tốt nội dung các hội nghị chuyên đề năm 2018 theo kế hoạch; khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản sau hội nghị chuyên đề để tổ chức thực hiện ngay, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trên các lĩnh vực.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình thế giới, khu vực và trong nước; kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự; tập trung đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, doanh nghiệp. Đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung tổ chức Hội nghị chuyên đề về phòng, chống cháy nổ trước ngày 20/6/2018.

Bộ Quốc phòng tăng cường bảo đảm quốc phòng, chủ động nắm tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông, có phương án, kế hoạch ứng phó, không để bị động, bất ngờ.

Khẩn trương thực hiện cắt giảm thực chất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện nghiêm túc các văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại các cuộc họp lãnh đạo chủ chốt hằng tháng và cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Các bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương thực hiện cắt giảm thực chất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành như đã cam kết, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.

Các thành viên Chính phủ chủ động theo dõi, tập trung chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề bức xúc thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách đã được Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, cử tri kiến nghị và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp cuối năm.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, phát huy vai trò, trách nhiệm của báo chí trong tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo đồng thuận xã hội; kịp thời định hướng, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác từ các cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục xây dựng triển khai giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, trong đó làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; mối quan hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bảo đảm phù hợp với Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; hoàn thiện dự thảo Nghị định trước ngày 10 tháng 6 năm 2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có văn bản của Chính phủ gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các bộ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; có phương án, lộ trình để sắp xếp, tổ chức lại đầu mối quản lý doanh nghiệp nhà nước ngay sau khi đã chuyển giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Tài chính khẩn trương dự thảo Quyết định hướng dẫn thủ tục chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp từ các bộ, cơ quan về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, thống nhất phương án điều chuyển biên chế công chức, bảo đảm không làm tăng biên chế.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm tuyển chọn nhân sự cụ thể theo quy định của pháp luật, bảo đảm lựa chọn cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả.

Thủ tướng ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định và đáp ứng 4 tiêu chí sau:

Tiêu chí Sản xuất - Thu nhập - Hộ nghèo

Tổ chức sản xuất: Có vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của xã, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu; có ít nhất 02 hợp tác xã kiểu mới liên kết làm ăn có hiệu quả.

Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Không có hộ nghèo (trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định, hoặc do tai nạn rủi ro bất khả kháng, hoặc do bệnh hiểm nghèo).

Tiêu chí Giáo dục - Y tế - Văn hóa

Tỷ lệ huy động trẻ đi học mẫu giáo đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt từ 95% trở lên, số trẻ em 11 tuổi còn lại đều đang học các lớp tiểu học; tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt từ 95% trở lên.

Trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; dân số thường trú trên địa bàn xã được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt từ 90% trở lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên.

Có mô hình hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu, thu hút từ 60% trở lên số người dân thường trú trên địa bàn xã tham gia. Mỗi thôn, bản, ấp có ít nhất 01 đội hoặc 01 câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Tiêu chí Môi trường

Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 50% trở lên; có từ 60% trở lên số tuyến đường xã, thôn, bản, ấp có rãnh thoát nước và được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến.

Có mô hình bảo vệ môi trường (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng ngõ xóm và các khu vực công cộng; câu lạc bộ, đội tuyên truyền về bảo vệ môi trường) hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cộng đồng; có từ 90% trở lên số hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo bền vững.

Trong 3 năm liên tục trước năm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, trên địa bàn xã: không có khiếu kiện đông người trái pháp luật; không có công dân thường trú ở xã phạm tội; tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm; công khai minh bạch, đầy đủ các thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, công dân đảm bảo có hiệu quả; có mô hình điển hình về cải cách thủ tục hành chính hoạt động hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng quản lý nhà nước, ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu và điều kiện thực tế địa phương, lựa chọn loại hình xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội nhất trong các nhóm tiêu chí trên (về sản xuất, về văn hóa, về giáo dục, về du lịch, về môi trường, về an ninh trật tự...) để hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Kiện toàn Ban Thư ký Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương (Hội đồng) vừa ký quyết định kiện toàn Ban Thư ký Hội đồng.

Theo đó, đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng ban Thư ký.

Phó Trưởng ban gồm các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Văn Bổng, Chánh Văn phòng, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng và An ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thiếu tướng Nguyễn Văn Ly, Cục trưởng Cục Đào tạo, Tổng cục Chính trị, Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ban Thư ký Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương hoạt động theo quy định tại Quyết định số 15/QĐ-HĐGDQPANTW ngày 19/3/2014 về ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương.

Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương có chức năng tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các chủ chương, đề án, chương trình, kế hoạch và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan trung ương khác (gọi chung là cơ quan, tổ chức trung ương), UBND cấp tỉnh nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch về giáo dục quốc phòng - an ninh; chỉ đạo Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh cấp quân khu, cấp tỉnh triển khai thực hiện các quyết định, các nhiệm vụ về giáo dục quốc phòng - an ninh.

Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương phối hợp với các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức trung ương và các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh; thực hiện những nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao./.

Bình luận