Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ngọn lửa thiện nguyện vẫn lan tỏa (Bài 2)

(VOH) - Trước lời kêu gọi của TPHCM, từ các tổ chức tôn giáo đến các nhóm thiện nguyện, những ngọn lửa tình thương đã lan tỏa tới nhau để cùng nhau vượt qua dịch bệnh Covid-19.

Tại TPHCM, các nhóm thiện nguyện hoạt động mạnh mẽ, dù trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 siết chặt, họ vẫn cố gắng cùng chính quyền chăm lo cho người dân.

Một đêm mưa tháng 8, tại nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận, các tình nguyện viên của Trạm oxy cộng đồng Sài Gòn vẫn miệt mài khiêng vác, di chuyển các bình oxy lên sẵn xe ô tô. Chỉ cần một tin nhắn hay một cú điện thoại cầu cứu, lập tức những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhảy lên xe và chạy nhanh đến nơi kêu cứu.

Trạm oxy cộng đồng Sài Gòn bắt đầu hoạt động từ tháng 8, với mục tiêu cấp cứu người trong thời điểm khó khăn nhất, khi người dân không thể liên hệ được bệnh viện hay trạm y tế. Hiện tại, trạm có 1.000 tình nguyện viên và đã chuyển đi cấp cứu hơn 1.800 bình ô xy. Những gia đình F0 nhắn tin vào trang fanpage Trạm oxy cộng đồng Sài Gòn bất kể giờ nào, cũng sẽ có người ứng cứu. Điểm đặc biệt của trạm oxy này là chuyên hoạt động về đêm, dù trời có mưa bão họ vẫn đi, sẵn sàng len qua những con hẻm hẹp, vác những chiếc bình nặng 70kg lên các tầng lầu ở chung cư. Thông thường, sau khi tiếp nhận thông tin 1 ca cấp cứu, nếu mọi thứ thuận lợi thì trong vòng 15 phút, tình nguyện viên đã mang bình oxy tới nhà dân, những trường hợp xa thì mất 30 phút. 

Ngọn lửa thiện nguyện vẫn lan tỏa: Sài Gòn một chữ Thương 1
Các tình nguyện viên tại Trạm oxy cộng đồng Sài Gòn. 

Anh Lê Hồng Chuyên - điều phối chính của trạm chia sẻ: "Từ ngày 8/8, chúng tôi đã thực hiện giao bình oxy 24/24. Lúc này, các đơn vị khác chưa làm buổi tối nên chúng tôi đảm nhận các ca tối, khuya ở những hẻm xa xôi nhất, đặc biệt là khu vực quận 8, Bình Chánh, Nhà Bè”.

Cứu người trong hoàn cảnh ngặt nghèo nên họ cũng trở thành nhân chứng bao câu chuyện buồn trong mùa Covid-19. Chứng kiến bệnh nhân qua đời, chứng kiến nỗi đau mất người thân của gia đình nạn nhân, càng thôi thúc những tình nguyện viên phải sống đẹp, sống có ý nghĩa. Đó có thể là câu chuyện của thầy giáo Lâm, người thầy giáo vật lý đã đồng hành từ những ngày đầu và ở lại trực trạm oxy  24/24. Khi đem bình oxy tới nhiều gia đình bệnh nhân hoàn cảnh đơn chiếc để giúp họ thở, anh đã ở lại cùng gia đình. Khi chẳng may bệnh nhân mất, anh tìm liên lạc với phường để hỗ trợ.

Những đêm mưa bão, hai bạn trẻ chở nhau trên chiếc xe máy, phía sau thêm chiếc bình nặng trịch len lỏi vào các con hẻm sâu và hẹp, cố gắng bằng mọi cách đem sự sống đến bệnh nhân. Sự vất vả và nhiệt tình của các tình nguyện viên đã lan tỏa thông điệp sống ý nghĩa đến những người khác. Vì thế, có những bệnh nhân F0 khỏi bệnh và tình nguyện tham gia với trạm oxy, hay những gia đình bệnh nhân nhớ ơn các “ân nhân” đã góp tiền vào quỹ mua ô xy cho trạm.

“Sài Gòn một chữ Thương” là tên chương trình thiện nguyện mùa dịch của cựu giáo viên Hoàng Thị Thu Hiền và những người bạn. Thời điểm tháng 6/2021, dịch bệnh diễn ra ở TPHCM, cô cảm thấy lo lắng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, cho nhóm lao động yếu thế không có thu nhập. Cô cũng thương cho đội quân đi phát quà từ thiện, chấp nhận nguy hiểm và gian khổ đi khắp ngõ ngách của thành phố để tặng nhu yếu phẩm. Từ những trăn trở này, chương trình “Sài Gòn một chữ Thương” ra đời.

Cô Hoàng Thị Thu Hiền bên chiếc xe chở hàng cứu trợ cho lao động khó khăn
Cô Hoàng Thị Thu Hiền bên chiếc xe chở hàng cứu trợ cho lao động khó khăn

Ban đầu, cô Thu Hiền cùng những tình nguyện viên khác thuê xe ô tô đến các khu có đông lao động nghèo sinh sống để tặng 1.200 phần quà thiết yếu cho họ. Nhiều người biết tới chương trình đã ủng hộ vào quỹ và cô dùng tiền ấy để khi thì mua rau cho khu phong tỏa, lúc lại tặng vật tư y tế cho bệnh viện dã chiến, tặng quà cho lực lượng trực chốt kiểm dịch. TPHCM đã áp dụng bao nhiêu chỉ thị giãn cách xã hội, thì cô Thu Hiền cũng nảy ra ngần ấy kế hoạch thiện nguyện để đồng hành cùng chính quyền.

Hiện nay, nhận thấy thành phố nhiều F0 nên cô tập trung tặng vật tư y tế như máy thở, máy tạo oxy, bình oxy, khẩu trang y tế cho các bệnh viện. Cách tặng quà này linh hoạt trong thời điểm chỉ thị 16 siết chặt, cô Thu Hiền chỉ ở nhà và giao dịch mọi thứ qua kết nối internet. Cô Hoàng Thị Thu Hiền cho biết sẽ đồng hành cùng chính quyền trong đại dịch cho đến khi mọi thứ tạm ổn. “Nếu dịch còn thì chúng tôi sẽ kêu gọi quyên góp giúp đỡ tiếp. Sau dịch, có thể sẽ hướng đến giúp những người có hoàn cảnh thực sự khó khăn”, cô Hiền cho biết thêm.

Trong những ngày thành phố thực hiện siết chặt giãn cách, nhiều nhóm thiện nguyện than gặp khó khăn khi xin giấy đi đường, dẫn tới việc chậm trễ hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, nhóm thiện nguyện Phượng Art vẫn xoay xở được do nhóm biết gắn kết hoạt động từ thiện cùng chính quyền địa phương là phường Phước Long B (TP. Thủ Đức) nên được hỗ trợ các thủ tục làm giấy đi đường nhanh chóng. Nhờ vậy, nhóm đã kịp thời phối hợp với công an quận 4 chăm sóc các suất ăn cho gần 150 người lang thang. Chị Trần Thị Diệu Phượng - trưởng nhóm, chia sẻ, nhóm chọn cách thiện nguyện đồng hành cùng chính quyền địa phương để đem tới các hộ dân thực sự khó khăn các phần quà từ các nhà hảo tâm. "Những khu dân cư nào quá khó khăn, mình nhờ dân quân và công an cùng đi trao quà, đảm bảo an toàn cho những tình nguyện viên phát quà”, chị Phượng cho hay.

Ngọn lửa thiện nguyện vẫn lan tỏa: Sài Gòn một chữ Thương 3
 Tình nguyện viên vác bình ô xy vào khu có bệnh nhân Covid-19 giữa đêm khuya. 

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết, thành phố hiện có khoảng 400 nhóm thiện nguyện hoạt động chăm lo cho người dân trong đại dịch. Tính đến thời điểm hiện nay, những nhóm này đã nấu hơn 100 triệu suất ăn nghĩa tình; tặng hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men và vật tư y tế; vận chuyển miễn phí hàng ngàn chuyến hàng hóa cứu trợ đến TPHCM. Ông Nguyễn Thành Trung - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM bày tỏ sự trân trọng với các nhóm thiện nguyện đã đồng hành cùng thành phố suốt thời gian qua: "Trong điều kiện thành phố đã dồn hết lực nhưng điều kiện về tài vật và con người đều khó khăn. Vì vậy, sự tham gia của các nhóm thiện nguyện rất đáng trân trọng”.

Như những gì các nhóm thiện nguyện đã chia sẻ, dịch bệnh có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới, thế nhưng họ sẽ giữ vững ngọn lửa thiện nguyện lan tỏa cho đến khi nào dịch lắng xuống. Để làm được điều này, chỉ có thể xuất phát từ trái tim nhân ái, tấm lòng không vụ lợi và một tinh thần tích cực luôn hướng về  những giá trị tươi sáng, tốt đẹp.

Bình luận