Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngư dân cần giải pháp bền vững để vượt khó và giữ nghề

VOH - Chiều 4/11, tại phiên thảo luận Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) bày tỏ lo ngại về tình hình khó khăn của ngành thủy sản và ngư dân.

Theo bà Dao, dù Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng ngư dân hiện đang đối mặt với nhiều thách thức: giá hải sản giảm mạnh, chi phí đánh bắt gia tăng, và ngư trường ngày càng cạn kiệt.

“Nhiều tàu phải nằm bờ trong nuối tiếc vì thời hoàng kim đã qua. Ngư dân lâm vào cảnh phải lên bờ kiếm kế sinh nhai, còn chủ tàu nhiều người rơi vào tình trạng nợ nần, phá sản,” bà Dao nói.

Vấn đề khai thác quá mức là một nguyên nhân chính khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm. Mỗi năm, Việt Nam khai thác 3,8 triệu tấn hải sản, cao gấp 1,5 lần mức cho phép. Từ năm 2005 đến nay, nguồn lợi thủy sản đã giảm hơn 30%. Điều này làm gia tăng lo ngại về bền vững của ngành thủy sản và ảnh hưởng tới sinh kế của ngư dân.

Chau Quynh Dao
 Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) - Ảnh: QH

Đại biểu cũng nhấn mạnh một số chính sách chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ, Nghị định 37/2024 quy định chiều dài tối thiểu của cá ngừ vằn được khai thác là 50 cm, một yêu cầu khó đáp ứng, khiến sản lượng khai thác bị giảm đáng kể. Tại một số tỉnh như Bình Định, sản lượng thu được chỉ đạt 2-3%, buộc nhiều tàu phải nằm bờ trong thời gian dài. Ngoài ra, Nghị định 67 tuy có chính sách nhân văn cho ngư dân nhưng thiếu cơ chế khoanh nợ hợp lý.

Bên cạnh đó, việc chậm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thiết bị giám sát hành trình trên biển gây khó khăn trong giám sát và hỗ trợ ngư dân. Cơ quan chức năng không thể ràng buộc trách nhiệm của các nhà cung ứng thiết bị, dẫn đến những khó khăn trong quản lý.

Trước những khó khăn này, bà Dao đề xuất các cơ quan Trung ương và địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp kinh tế biển bền vững, trong đó có việc tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Bà cũng kêu gọi điều chỉnh các quy định chưa phù hợp như Nghị định 37 về kích cỡ cá ngừ vằn để hài hòa giữa nhu cầu sinh kế của người dân và tái tạo nguồn tài nguyên biển. Ngoài ra, cần sớm ban hành quy chuẩn quốc gia cho thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo an toàn và hỗ trợ cho ngư dân.

Về hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, bà đề xuất phát triển các chính sách tín dụng ưu đãi và chuyển giao công nghệ cho ngư dân, giúp họ thích ứng với các lĩnh vực như du lịch biển đảo và nuôi trồng biển công nghệ cao.

Bà Dao cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi nhận thức từ tư duy khai thác truyền thống sang nghề cá trách nhiệm, với mong muốn để lại nguồn lợi biển lâu dài cho thế hệ sau.

Bình luận