Người giữ lửa chiến công Đặc công Rừng Sác anh hùng

(VOH) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những câu chuyện về các chiến công của Bộ đội Đặc công Rừng Sác Trung đoàn 10 ( còn gọi là Bộ đội Đặc công Đoàn 10) vẫn sáng mãi khí phách hào hùng. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ từng ăn rau rừng thay cơm, chia nhau từng lon nước ngọt, nhường nhau từng bữa cơm, viên thuốc khi ốm đau… Khó khăn ấy càng tiếp thêm sức mạnh để chiến sĩ yêu thương nhau hơn, quyết tâm đấu tranh đánh đuổi quân thù. Nguyên Chính trị viên trưởng Đại đội C2 Trung Đoàn 10, Nguyễn Thành Út, hiện ngụ tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ trực tiếp tham gia hơn 100 trận đánh trên sông Lòng Tàu là một tấm gương trên biển trong cuộc chiến tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hôm nay.
Ông Nguyễn Thành Út trở về với cuộc sống đời thường (ảnh: UBMTTQVN)

Tháng 9/1963, chỉ mới 16 tuổi, ông Út tham gia kháng chiến là lính trinh sát bộ binh huyện. Với lòng quyết tâm của tuổi trẻ và lòng căm thù giặc, chỉ muốn cầm súng ra trận tiêu diệt giặc, ông được chỉ huy đào tạo các lớp tập huấn trinh sát đặc công ngắn ngày để cùng đồng đội tham gia chiến đấu. Đến năm 1965 - 1967, ông trở thành Trung đội trưởng và là Pháo thủ “số 1” Cối 60, tham gia tác chiến gần 10 trận đánh lớn nhỏ, lập được nhiều chiến công. Vừa trực tiếp chỉ huy, vừa cùng anh em trong đơn vị tác chiến quyết liệt trên sông Lòng Tàu, bằng cách đánh du kích, ông thường xuyên bắn hạ B41, DK B, H12 - tên lửa tầm ngắn của địch… Đến năm 1972, ông được  giao nhiệm vụ là Chính trị viên trưởng Đại đội C2 của Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Cho đến ngày giải phóng, ông tham gia tác chiến trên 100 trận và 4 lần bị thương. Ông Nguyễn Thành Út kể lại : “Cao điểm nhất là năm 1969 đến năm 197, lúc đó thời gian Mỹ đưa quân và rút quân, đó là thời gian Mỹ càn quét đánh phá rất ác liệt, nhưng nhiệm vụ mà Trung đoàn giao cho chúng tôi phải thường xuyên bám trận địa sông Lòng Tàu, đánh các tàu quân sự của Mỹ chở bom đạn tiếp tế cho Ngụy quân, Ngụy quyền và chở xăng dầu tiếp viện vô kho xăng Nhà Bè. Bấy giờ rất ác liệt, cơm nước không đủ ăn, mỗi một lần người nào đi tác chiến thì người ở nhà phải nhịn cơm nhường cho người đi tác chiến. Có một lần Đại đội tôi đánh 8 tàu trên sông Đồng Tranh và đơn vị tôi được nhận được huân chương chiến công giải phóng hạng 3”.




Trong thời gian tác chiến, có lần đơn vị không liên lạc được với Ban chỉ huy thời gian cả 1 năm, không có tiền, không lương thực, không có gạo ăn chỉ nhờ tiếp viện của hộ dân. Sáng bà con địa phương đi đốn củi, ăn cơm ở nhà rồi đem cơm tiếp viện cho bộ đội, các anh em chỉ ăn 1 buổi cho cả ngày. Khó khăn là vậy, nhưng các chiến sĩ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, vào ngày 29/4/1975, 100% quân số của Đại đội với hơn 90 người đều tham gia tác chiến, bao gồm cả anh nuôi, y tá, đánh cả 1 ngày, 1 đêm trên sông Lòng Tàu, tới 5 giờ sáng hôm sau mới kéo về căn cứ. Khi được tin đất nước độc lập, tất cả anh em trong đơn vị vui mừng không tả xiết vì từ đây không còn bóng giặc, người dân được sống trong yên bình. Ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Thành Út trở về với thương tật 4/4, tiếp tục cùng chính quyền địa phương chăm lo đời sống nhân dân. Những năm 1976-1977, ông được đảng bộ huyện giao nhiệm vụ là Chủ tịch UBND xã Long Hòa, rồi cán bộ văn phòng UBND huyện cho tới ngày nghỉ hưu. Thời gian sau, ông được UBND xã mời tiếp tục tham gia cùng chính quyền địa phương với vai trò Phó chủ tịch UB.MTTQ xã. Hiện ông đang là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Long Hòa và tham gia các hoạt động Hội Cựu chiến binh địa phương. Ở vai trò nào ông Út cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, nỗ lực học tập, lao động phục vụ quê hương, đất nước. Ông còn vận động bà con, người cao tuổi thực hiện tốt những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước và tích cực tham gia các cuộc vận động do địa phương phát động, đóng góp các nguồn quỹ vì người nghèo, quỹ Vì Trường sa thân yêu - vì tuyến đầu Tổ quốc.


Về với cuộc sống đời thường, Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Thành Út vẫn tích cực lao động sản xuất, phát triển vườn cây ăn trái, nâng cao kinh tế gia đình. Với thế hệ trẻ hôm nay, ông Nguyễn Thành Út tâm sự: Tôi tự hào về những chiến công, những đóng góp của đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc. Vì vậy, những khó khăn về đời sống hiện nay sẽ chẳng là gì so với thời chúng tôi tham gia kháng chiến. Trong mọi điều gian khó, Cựu chiến binh chúng tôi nguyện là người đi tiên phong để kinh tế đất nước phát triển. Ông nhắn nhủ với thế hệ trẻ hôm nay: “Hiện nay, xây dựng và bảo vệ tổ quốc với trách nhiệm của một thanh niên trong thế hệ mới phải giữ gìn cho tốt truyền thống dân tộc ta. Bác Hồ có nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cố gắng hơn nữa để làm tròn trách nhiệm của một thanh niên trong thời đại mới và khi tổ quốc cần phải sẳn sáng cống hiến để bảo vệ đất nước chúng ta trọn vẹn, không ai xâm lược đất nước Việt Nam.”



Nhân dân được sống trong yên bình, các em nhỏ được đến trường là biết bao máu xương của những anh hùng đã ngã xuống. Những ngày tháng 7 lịch sử, tháng ngày mà cả dân tộc ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ; thể hiện truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn”, “ Ăn quả nhớ người trồng cây”, các thế hệ hôm nay thể hiện tấm lòng tri ân, chăm lo, phụng dưỡng những mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, gia đình chính sách có công và sống, học tập, lao động cho thật xứng đáng với người đã nằm xuống vì độc lập tự do. Những chiến công hào hùng của cha anh nói chung và những trận đánh oanh liệt của chiến sĩ Đặc công Rừng Sác Trung đoàn 10 nói riêng luôn là niềm tự hào của bao thế hệ. Chính những anh bộ đội cụ Hồ hôm qua đã tạo nên một đất nước Việt Nam anh hùng./.

Bình luận