Anh Đinh Công Duy, người khuyết tật đang sinh sống tại quận Bình Tân cho hay, hiện nay nhiều người khuyết tật như anh rất khó xin việc làm tại các doanh nghiệp dù bản thân anh đã được học nghề, đào tạo nghề. Một trong những cái khó là vẫn còn rất ít nơi chưa sẵn sàng nhận người khuyết tật vào làm việc vì nghi ngờ khả năng của họ. Hơn nữa, cơ sở vật chất tại nơi làm việc cũng chưa đáp ứng không phù hợp với sinh hoạt của người khuyết tật.
Tại buổi đối thoại, anh Duy kiến nghị các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho người khuyết tật để họ có cơ hội được làm việc, được tự khẳng định mình.
“Những người đã học nghề, có nghề rồi nhưng không thể đi xin việc làm ở bên ngoài được. Lý do là đa phần những công ty, doanh nghiệp họ chưa quan tâm sâu sắc đến những người khuyết tật. Thực tế nếu nói về chất xám thì người lao động khuyết tật chưa chắc đã thua người bình thường nhưng về mặt di chuyển cũng như chính sách hỗ trợ thì còn bị hạn chế. Đa phần những người khuyết tật ngồi xe lăn như tôi cho dù có doanh nghiệp nhận vào làm nhưng chúng tôi cũng không thể làm được. Lý do là cơ sở hạ tầng ở những nơi đó như nhà vệ sinh, lên cầu thang…thì những người khuyết tật như tôi hoàn toàn không thể lên được.” - anh Duy nêu ý kiến.
Người khuyết tật nêu kiến nghị với ngành chức năng.
Tại TPHCM hiện có gần 57.000 người khuyết tật. Phần lớn trong số họ đã được xác định mức độ khuyết tật, được trợ cấp cũng như cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hơn 5000 người khuyết tật neo đơn hoặc sống lang thang cũng được nuôi dưỡng tập trung. Các chính sách hỗ trợ về học nghề, đào tạo nghề cho đối tượng này cũng được thực hiện tại các đơn vị bảo trợ xã hội nhằm ổn định đời sống, tinh thần cho người khuyết tật.
Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn khiến người khuyết tật chưa có điều kiện hòa nhập tốt trong cộng đồng. Đó là cơ sở hạ tầng về văn hóa, cơ sở thể dục thể thao, cơ sở giáo dục đào tạo, công trình giao thông công cộng dành cho người khuyết tật còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa phù hợp để người khuyết tật tham gia.
Đơn cử như vấn đề di chuyển bằng xe buýt cũng rất khó khăn hay tại các siêu thị, chợ, bưu điện, các công trình, khu vực công cộng thiếu các xe lăn, lối đi dành riêng cho người khuyết tật. Việc khám chữa bệnh cũng chưa được ưu tiên. Nhiều người khuyết tật khó tiếp cận được vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, hay mở các điểm kinh doanh, cơ sở hành nghề phù hợp.
Liên quan đến vấn đề người khuyết tật di chuyển bằng phương tiện công cộng, ông Mạnh Thanh Hải - Phó phòng tổ chức, cán bộ Sở giao thông vận tải TP cho biết, để tạo thuận lợi cho người khuyết tật di chuyển trên các phương tiện xe buýt, tránh sự kỳ thị thì đơn vị đã tổ chức tập huấn về quy tắc ứng xử cho nhân viên xe buýt với người khuyết tật. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có sự đồng bộ trong đầu tư hạ tầng để tạo thuận lợi hơn cho họ.
“Qua phản ảnh của bà con ở đây thì rất là hợp tình hợp lý. Ngành vận tải phải có trách nhiệm chấn chỉnh hoạt động chung về thái độ phục vụ, trong đó có thái độ phục vụ người khuyết tật. Điều lớn nhất là phải có mạng lưới phù hợp. Thứ hai là thiết kế hệ thống xe buýt phải có sàn thấp để cho người khuyết tật đi lại cho dễ dàng. Đồng thời phải có khu vực chân tạm dừng nhà chờ để dành riêng cho người khuyết tật thuận lợi hơn. Hiện nay thì cũng đã làm nhưng số lượng chưa được nhiều” - ông Hải cho biết.
Buổi đối thoại đã nhận được 16 ý kiến từ đại diện người khuyết tật tại các quận huyện. Những ý kiến được quan tâm nhiều nhất vẫn là dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo hiểm y tế, giám định y khoa xếp loại khuyết tật, chế độ ưu đãi cho người khuyết tật khởi nghiệp, nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao cho người khuyết tật...
Những ý kiến này đã được đại diện các sở, ngành trả lời thỏa đáng. Đối với những kiến nghị vượt quá thẩm quyền, ban tổ chức đã ghi nhận để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.