Người “mở đường” từ cuộc chiến đến thời bình

(VOH) - Từng làm nhiệm vụ mở đường từ năm 1965, rồi như cơ duyên, 65 tuổi, ông tiếp tục “mở đường” từ sự đóng góp và niềm tin trọn vẹn của người dân.

Vu_Van_Hung_VOH

Ông Vũ Văn Hưng tại nhà riêng. Hình: Tấn Cường

Người cựu chiến binh đó là ông Vũ Văn Hưng với 70 tuổi đời và 46 tuổi Đảng, đang cư ngụ tại đường Nguyễn Đức Thuận phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Mở đường tải đạn vào chiến trường miền Nam

Ngày đầu vào lực lượng TNXP (1965), chàng trai trẻ Vũ Văn Hưng hăng hái cùng đồng đội mở tuyến đường dọc tuyến biên giới Lào Cai, Yên Bái, bảo đảm giao thông tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn.

Sau đó, đơn vị ông vừa làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông vừa tham gia học lớp trung cấp giao thông để có thêm kiến thức. Sau khi học xong, ông tốt nghiệp và về công tác tại Cục đường bộ Việt Nam. Người thanh niên xung phong tiếp tục tham gia mở nhiều tuyến đường khác dọc theo tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc để phục vụ bộ đội vận chuyển người và phương tiện vũ khí cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. 

Công việc mở đường, gia công, sản xuất phương tiện miệt mài cho đến ngày cả nước thống nhất. Nhớ lại thời gian ấy, ông Vũ Văn Hưng chia sẻ “có lúc địch đánh phá rất ác liệt nhưng các chú không đi sơ tán mà luôn ở lại nhà máy để chỉ đạo gia công phao, phà, ca nô đưa vào khu 4.

Có lần địch đánh phá nhà máy đóng tàu Bạch Đằng thì được báo trước và phải gấp rút chuẩn bị phương tiện vận chuyển các phao LPP (phao lắp ghép thành cầu phao). Thông thường, một lần chỉ chở được một phao nhưng ngày hôm đó tôi quyết định phải chở chồng hai phao cho kịp. Đúng là tối hôm đó địch đánh phá và chúng ta không bị thiệt hại gì”

Nắn đường né núi

1976, ông Vũ Văn Hưng được phân công làm hạt trưởng hạt đường bộ ở Đại Lãnh, Khánh Hoà – nơi đường sá bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng để nối lại mạch giao thông.

1980, ông về công tác tại công ty đường bộ Đắclắk, lần lượt giữ chức vụ phó giám đốc và giám đốc. Ông Hưng nhớ lại công trình làm đèo Cả thời gian ấy.

Theo thiết kế, có đoạn làm đường vào núi nhưng ông quyết định sửa ngay tại mặt đường. Bởi việc đưa đường vào núi mất rất nhiều thời gian, chi phí và có nguy cơ đường sạt lở cao.

Với công nghệ và kỹ thuật thời ấy, ông xác định việc ngăn nguy cơ sạt lở có thể không đảm bảo lâu dài. Nếu vị trí giao thông này bị sạt lở thì các phương tiện phải đi vòng qua đường 19 lên Tây Nguyên về quốc lộ 26 (dài khoảng 800km). Vì điều ấy, ông quyết tâm phải “nắn đường” né núi.

Tính đến thời điểm nghỉ hưu, ông Vũ Văn Hưng tham gia mở những con đường giao thông huyết mạch ở các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để nối liền mạch máu giao thông giữa tỉnh, thành, làm các con đường huyết mạch ở thành phố Nha Trang và những con đường đẹp của thành phố Đà Nẵng.

Tiếp tục “mở đường” bằng 100% sức dân

Đến con đường Ngô Bệ, phường 13, quận Tân Bình, hỏi về ông Hưng ai cũng biết. Anh Tâm, một người dân sống tại đây nói nhờ có ông, con đường Ngô Bệ lầy lội đầy ổ voi ngày nào mới được khang trang như hôm nay. 

Vu_Van_Hung_VOH

Ông Vũ Văn Hưng bên con đường Ngô Bệ khang trang. Hình: Tấn Cường

Năm năm trước, thấy con đường này chật hẹp lầy lội khó đi, tệ nạn xã hội lộng hành, cuộc sống người dân nhếch nhác khó khăn, ông Hưng nghĩ cách làm đường. Ông trình bày cho bà con việc cần phải quyên góp để mở rộng đường và đổ nhựa.

Ông thẳng thắn là gia đình ông đóng góp trước và khi bà con chưa đóng góp hết thì ông đã thuê nhân công, máy móc làm đường.

Trao đổi với VOH, ông Hưng nói làm gì cũng vậy, mình phải làm gương thì bà con mới tin. Ông hứa chắc nịch rằng ông sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, đường hư thì ông đứng ra sửa chữa. Vậy là người dân, các doanh nghiệp kinh doanh trong khu vực hưởng ứng nhiệt tình. Con đường 200m, rộng 6m làm chỉ hết 200 triệu. 

Chi bộ, bà con trong khu vực tiếp tục “đặt hàng” ông kêu gọi làm đường hẻm. Không lâu sau, hai đường hẻm 488 Cộng Hòa và 32 Lê Văn Hân được “lên đời”, sạch sẽ, tinh tươm hơn. 

Bây giờ, ông Hưng tiếp tục với công việc giữ gìn môi trường khu phố.

Với ông, cách tuyên truyền hiệu quả để bà con cùng chung tay là tự ông thấy việc gì chưa tốt, nơi nào chưa sạch đẹp ông đều làm lấy. Bà con thấy vậy tự giác cùng thực hiện.