"Người tiêu dùng dễ bị tổn thương" xuất hiện trong dự thảo luật bảo vệ người tiêu dùng

(VOH) - Khái niệm "người tiêu dùng dễ bị tổn thương" lần đầu tiên xuất hiện trong dự án Luật bảo vệ người tiêu dùng. Các đại biểu cho rằng cần bổ sung đối tượng và cách xác định nhóm đối tượng này.

Sáng 02/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Thảo luận tại Tổ 4 ( Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu), đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu chỉ ra rằng, dự thảo Luật có thiết kế Điều 7 về "bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương". Đại biểu cho rằng đây là một quy định cần thiết vì người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trong việc thực hiện các giao dịch mua bán, những người vùng sâu, vùng xa, những người yếu thế, người già sẽ thực hiện rất khó khăn. Tuy nhiên vẫn cần làm rõ một số nội dung về xác định đối tượng dễ bị tổn thương…

Các ý kiến thảo luận tại tổ 2 (Đoàn ĐBQH TPHCM) đề nghị sửa đổi và thể hiện lại khoản 1 Điều này như sau: “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp xảy ra (nếu có) trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...”. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương tương tự Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan. 

"Người tiêu dùng dễ bị tổn thương" xuất hiện trong dự thảo luật bảo vệ người tiêu dùng 1
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 2 sáng 2/11. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị cần giải thích một số từ ngữ và bổ sung: người tiêu dùng cần phải được tôn trọng và bảo vệ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Điều 7, dự thảo Luật liệt kê rất nhiều về người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn thiếu một số đối tượng mà Việt Nam của chúng ta vẫn đang bảo hộ và cả thế giới cũng vậy, đó là đối tượng nghèo, hộ nghèo, người bị tai nạn lao động.

Về khái niệm hàng hóa có khuyết tật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị nên sửa lại là “hàng hóa có lỗi” hoặc cụm từ khác, không nên dùng từ “khuyết tật”, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa lại.

Chương 5 của dự thảo Luật quy định về việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh bằng hình thức thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án cũng không đề cập đến trình tự, thủ tục để giải quyết đối với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định nguyên tắc hoặc do Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện thống nhất, đảm bảo quyền lợi của nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương..

Dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng bổ sung thêm một Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh;

Sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình; bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù; hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh;

Quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công Thương, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý và tại địa phương..