Người tiêu dùng tự bảo vệ mình trước tin nhắn rác

(VOH) - Tin nhắn rác - nỗi phiền muộn của người sử dụng dịch vụ di động vẫn tiếp tục hoành hành với tần suất ngày càng nhiều hơn dù các cơ quan chức năng đã triển khai một số giải pháp kiểm tra, xử phạt và quản lý chặt.

Cần mạnh tay xử lý tin nhắn rác - Ảnh minh họa - Nguồn: VTV.

Trả lời phỏng vấn của VOH, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM nhấn mạnh, để tránh mất tiền oan, người tiêu dùng cần biết cách tự bảo vệ mình.

Click để nghe toàn bộ phỏng vấn:

 

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM

* Thưa ông, vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo luôn làm phiền người sử dụng dịch vụ điện thoại di động và thời gian qua còn xuất hiện tình trạng tin nhắn lừa đảo móc túi người tiêu dùng. Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã thực hiện giải pháp gì để giảm tình trạng này ?

Ông Lê Quốc Cường: TPHCM là địa phương luôn đi đầu và quyết liệt chống tin nhắn rác. Năm 2011, Sở xây dựng phần mềm xác định tính chính xác dữ liệu thuê bao di động trả trước, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp đăng ký không đúng quy định. Phần mềm đã chuyển giao cho các tỉnh, thành có nhu cầu. Năm 2012 thì phối hợp với các tỉnh thành kiểm tra diện rộng. Năm 2013, Sở TTTT xây dựng kế hoạch phối hợp quận, huyện kiểm tra các đại lý phân phối sim. Như vậy, có thể thấy việc quản lý sim trả trước được tiến hành đồng loạt với các tỉnh, thành và quận, huyện. Chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra VTN một trong những đơn vị cung cấp đầu số. Đến nay, các doanh nghiệp đã công khai giá cước dịch vụ giá trị gia tăng nhưng phải nói rằng, việc kiểm tra này còn nhiều hạn chế vì chỉ thực hiện được trong khuôn khổ địa phương

* Dù có giải pháp quyết liệt nhưng thực trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn không giảm, vậy những khó khăn thực tế mà Sở Thông tin và Truyền thông đã gặp phải khi kiểm tra và xử phạt như thế nào ?

Ông Lê Quốc Cường: Các doanh nghiệp cũng triển khai một số giải pháp kỹ thuật, họ đã chặn và khóa khoảng 1 triệu sim di động nhưng chưa thật sự hiệu quả. Việc làm này chỉ thực hiện sau khi sim rác đã được kích hoạt, mà tin nhắn rác thì người ta chỉ sử dụng sim rác 1 lần rồi thôi ! Phải nói rằng, các doanh nghiệp cũng chưa quyết liệt. Chúng tôi có văn bản kiến nghị với Bộ Thông tin Truyền thông trong việc đặt ra những tiêu chuẩn, giải pháp để các nhà mạng triển khai đồng loạt thì mới có thể hạn chế tin nhắn rác.

* Cụ thể những kiến nghị của Sở Thông tin Truyền thông đối với các doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm quy định đăng ký thông tin thuê bao di động ra sao ?

Ông Lê Quốc Cường: Chúng tôi đề nghị quản lý thuê bao trả trước như trả sau thông qua ký hợp đồng. Chỉ có như vậy thì vấn nạn tin nhắn rác sẽ được hạn chế rất nhiều vì các nhà mạng, các đại lý không tuân thủ nghiêm việc đăng ký các sim trả trước. Chúng tôi cũng gửi Bộ Thông tin Truyền thông một số giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác từ các công ty có kinh nghiệm trong vấn đề này.

* Ông có lời khuyên gì đối với người sử dụng điện thoại di động nhằm hạn chế vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo ?

Ông Lê Quốc Cường: Khi thấy những ứng dụng dành cho điện thoại không rõ nguồn gốc, tin nhắn không có giá cước mà có nội dung mời gọi nhắn tin gọi đến đầu số 1900. 6XXX,7XXX, 8XXX hoặc truy cập vào những đường link, trang web không rõ thì người sử dụng dịch vụ cần phải cẩn trọng.

Không tải hay cài đặt các ứng dụng lạ, không rõ nguồn gốc, kiểm tra tài khoản điện thoại để kịp thời phát hiện các trường hợp bất thường gây mất tiền trong tài khoản.

Hoặc có thể thực hiện các việc sau để được tư vấn, hướng dẫn, gửi chuyển tiếp tin nhắn rác đến tổng đài 456 miễn phí của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam. Phản ánh tới VnCert qua email canhbaothurac@vncert.vn hoặc gọi tới tổng đài chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp di động.

Cảm ơn ông.