Chờ...

Nguyên nhân tình trạng sạt lở bờ sông vùng ĐBSCL?

VOH - Tình hình sạt lở sông, kênh, rạch, bờ biển ở ĐBSCL ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ.

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian qua tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang diễn ra tình trạng sạt lở bờ sông. Theo đại biểu, nguyên nhân không phải do hút cát sông hoặc do dòng chảy, gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL là thách thức lớn trong biến đổi khí hậu. Chính phủ đã tổ chức hội nghị về vấn đề này tại Cần Thơ.

Bộ trưởng cho rằng, sụt lún là hệ lụy của địa chất ĐBSCL khi bị tác động bởi dòng chảy, có hiện tượng mềm đất, khi có chất tải lên khu vực đồng bằng thì dễ gây hiện tượng lún, sụt.

Nguyên nhân của tình trạng sạt lở bờ sông vùng ĐBSCL? 1
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của ĐBQH - Ảnh: Quốc hội 

Bộ trưởng cho biết, hiện tượng này có liên quan tới các đập ở thượng nguồn, gây cản trở nước, phù sa. Vấn đề này còn liên quan tới hiện trạng các dòng sông bị ô nhiễm do người dân ĐBSCL sống chen chúc bên bờ sông, dẫn đến phải khoan nước phục vụ sinh hoạt cũng như nuôi trồng thủy sản, chính việc khoan nước cũng là nguyên nhân gây lún sụt.

Bàn về giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ để nghiên cứu một cách tổng thể về hiện tượng sụt lún ở bờ sông ĐBSCL.

Đối với vấn đề đất trồng lúa, Bộ trưởng cho rằng việc sử dụng đất trồng lúa linh hoạt đã được quy định, Bộ NN&PTNT phải giữ lại lớp đất mặt hoặc khai thác lớp đất mặt ở một tầng cho phép. Bộ đã đưa ra những tiêu chí, quy định về cách thức khai thác, độ cao khai thác để khi cần có thể trở lại thành đất lúa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, các địa phương cần phải vào cuộc tích cực, chấp hành nghiêm ngặt các quy định, để linh hoạt trở lại đất lúa khi có thách thức về an ninh lương thực, đồng thời, tạo điều kiện phân cấp, ủy quyền cho các địa phương để vừa quản lý chặt được đất trồng lúa, vừa tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển.