Nhà báo, nhà văn nữ: Cháy bỏng niềm đam mê

(VOH) - Ngày nay, không hiếm gặp nhà văn thành danh với những tác phẩm best - seller vốn là nhà báo. Trong số đó là những “nhà báo - nhà văn” nữ.

Biết rằng so sánh là khập khiễng nhưng cũng dễ dàng nhìn thấy được các nhà báo nữ khi đến với nghề “Làm báo – nghề mài mực nước mắt” của nhà văn Lê Khắc Hoan, họ luôn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với đấng mày râu. 

Nhà văn, nhà báo Trầm Hương - hiện đang công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, chia sẻ: “Cầm bút xông pha vào những điểm nóng, vào nơi chiến sự, khó khăn thì phải sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm. Tôi cũng mơ đi đến tận cùng xa xôi, đi đến với chân trời mơ ước của mình nhưng con cái, gia đình như thế nào?

Nhà báo nữ đi thực tế thì chuyện đầu tiên là phải sắp đặt chuyện ở nhà, lo từng món đồ ăn để trong tủ lạnh. Đi cũng chưa yên tâm, phải điện thoại về nhà. Nói chung chúng mình phải tự thân, đơn độc làm tất cả mọi việc để đảm đương gia đình, đảm đương nghề nghiệp”.

Còn lắm suy nghĩ, lo toan nhưng các chị vẫn luôn yêu nghề, vẫn là những cây bút xuất sắc của làng báo thành phố. Rồi khi nặng nợ thêm việc chữ nghĩa, họ như chọn thêm một con đường khó – sáng tác cô độc một mình. Để rồi từ những ngày tháng lao nhọc trên cánh đồng văn chương, họ góp thêm cho đời những tác phẩm văn có chiều sâu như Sài Gòn những đêm không ngủ của nhà văn Trầm Hương, là Luân Sinh, Cây lẻ bạn của nhà văn Thu Phương, Đếm cát của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, Cỏ đồi phương đông, Nửa đêm nằm nhớ của Tiểu Quyên…

Cùng với sự đón nhận của công chúng thì những trở ngại của các chị đã hóa thành niềm vui, là động lực để đi tiếp cuộc hành trình. Hai mảnh đất báo – văn dù có chút khác biệt cũng hỗ trợ cho nhau, trở nên nhẹ nhàng, tinh tế dưới ngòi bút của các nhà báo, nhà văn nữ.

Nhà văn Thu Phương bày tỏ: “Sự nhạy cảm của người phụ nữ, dễ hòa đồng vào môi trường, vào con người, vào công việc. Nhiều khi cái đó là dễ khơi gợi, chọn được đề tài hay hay tiếp xúc được những số phận hay. Vì mình là phụ nữ nên cũng sẽ có được sự hỗ trợ từ mọi người”.

Nhà văn, nhà báo Tiểu Quyên đang công tác tại báo Phụ nữ Thành phố, tiếp lời: “Càng tiếp xúc với những thông tin, chất liệu hằng ngày từ những thông tin rất nhỏ trên báo mà đọc rồi lướt qua thì đến khi mình viết thì chi tiết, ám ảnh đó lại trở lại.

Làm việc lâu giữa hai lĩnh vực thì thấy là văn chương của mình ảnh hưởng từ báo chí rất nhiều, từ những thân phận người. Cũng như khi viết báo thì chất văn chương của mình lại được lan tỏa trong từng con chữ, từng bài báo, từng nhân vật. Nhiều khi mình nghĩ mình không thể bỏ được bên nào cả vì bỏ bên nào cũng bị hẫng. báo chí bị khô còn văn chương thiếu chất liệu sống”.

Nhà văn, nhà báo Phương Huyền

Xin mượn lời của nhà văn, nhà báo Phương Huyền –  hiện đang làm việc tại Đài TNND TPHCM, để nói thay cho tâm tình của những người gắn bó với con chữ, với nghề viết, rằng có đi sẽ đến, có gắn bó sẽ thành công:

“Với việc viết thì chưa bao giờ Phương Huyền từ bỏ. Mình cũng hay nói với một số bạn là đừng có sợ, đừng có lo. Nếu mình thật sự đam mê thì có khó khăn như thế nào cũng có thể theo đuổi được.

Cứ yêu, cứ gắn bó, cứ sống hết mình thì mình sẽ có được thành quả nhất định nào đó, còn nếu không thì mình sống với niềm yêu thích của mình là được”.