Do vậy, nhiều trường hợp chọn giải pháp gửi con ở các điểm, nhóm trẻ gia đình tự phát hoặc gửi về quê cho ông bà, người thân chăm sóc.
Công nhân Đỗ Thế Long, làm việc tại một công ty bao bì trong KCN Vĩnh Lộc buộc phải gửi con ở nhóm giữ trẻ gia đình bởi chỉ có nơi này mới giữ trẻ đến hết giờ tăng ca. Còn trường mầm non công lập, ngoài điều kiện và thủ tục nhập học khó thì chỉ giữ trẻ theo giờ hành chính. Đỗ Thế Long tâm sự: “Chúng tôi đi làm từ sáng tới chiều, đâu có ai đưa đón con em. Nếu phải nghỉ một người ở nhà để chăm sóc con thì không đủ thu nhập. Các trường ở đây khi tuyển sinh, thứ nhất phải có hộ khẩu, thứ hai phải có KT3. Đa phần con em công nhân toàn tạm trú, không ai có KT3 với sổ hộ khẩu được đâu !”.
Công nhân Võ Thị Thu cũng buộc phải gửi con ở nhóm trẻ gia đình. Nhưng thời gian gần đây, khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ ở các điểm, nhóm giữ trẻ tự phát khiến chị Thu vô cùng lo lắng. Vì vậy, hơn ai hết, chị Thu cũng như nhiều công nhân khác mong muốn tại nơi mình làm việc có nhà giữ trẻ dành cho con công nhân.
Mong muốn có nhà trẻ dành cho con công nhân tại nơi làm việc là chính đáng và bức thiết. Tuy nhiên, nguyên nhân thiếu trường mầm non là một số KCX-KCN thành lập trước đây chưa đồng bộ về quy hoạch vì vậy không có quỹ đất để xây dựng trường.
Công nhân đưa con đến nhà trẻ do Công ty Pouyuen VN xây dựng cho công nhân của mình - Ảnh: TTO.
Ông Nguyễn Thành Đô - Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP phân tích: “Trước tiên phải có quỹ đất để xây. Thứ hai là phải xây dựng riêng quy chế về hoạt động của trường mầm non dành cho con công nhân bởi đặc thù của công nhân làm theo ca kíp. Tiếp theo là phải có chính sách hỗ trợ để đảm bảo con công nhân lao động được giữ và chăm sóc tốt nhất”.
TP có chủ trương sử dụng 20% quỹ đất cây xanh, tận dụng đất trống ở vùng ven các KCX, KCN để xây nhà trẻ cho con công nhân. Gần đây nhất, UBND TP ban hành kế hoạch chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con công nhân các KCX-KCN TP giai đoạn 2014-2020. Theo đó, TP sẽ phấn đấu các KCX-KCN đều có công trình phục vụ đời sống công nhân, trong đó đặc biệt quan tâm xây trường mầm non. Cụ thể, sẽ đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành 12 dự án trường mầm non ở các KCN-KCX trong thời gian sớm nhất.
Con công nhân được chăm sóc chu đáo tại nhà trẻ Mặt Trời Nhỏ do Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân, TPHCM xây dựng - Ảnh: NLĐO.
Thực tế đã có tổng cộng 23 dự án xây dựng trường mầm non cho con công nhân với tổng quỹ đất gần 59.000 m2 được TP quy hoạch, dự kiến đáp ứng khoảng 7.000 trẻ. Tính đến thời điểm này có 6 dự án đã hoạt động, 6 dự án đang thi công và hoàn thiện thủ tục pháp lý, 11 dự án đã xong quỹ đất.
Trong dịp gặp gỡ và tiếp xúc với công nhân tại các KCX-KCN TP mới đây, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư Thành ủy-Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP cho rằng: “TP đã có chủ trương nhưng vẫn đang thí điểm. Tuy nhiên, để đáp ứng tất cả yêu cầu của công nhân còn một khoảng cách mà TP phải làm triệt để hơn, nhiều hơn, nhanh hơn nữa. Một vấn đề chưa làm được và công nhân vẫn bức xúc là công nhân làm ca nhưng giữ trẻ theo giờ hành chánh”.