Nhanh chóng hoàn thành "Làng Cam"

(VOH) - Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng hậu quả và di chứng do chất độc da cam/đi-ô-xin vẫn còn rất nặng nề, để lại nỗi đau dai dẳng cho nhiều thế hệ. Hiện cả nước có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

(VOH) - Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng hậu quả và di chứng do chất độc da cam/đi-ô-xin vẫn còn rất nặng nề, để lại nỗi đau dai dẳng cho nhiều thế hệ. Hiện cả nước có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong đó, thế hệ thứ hai có khoảng 200.000 người, thế hệ thứ 3 là 80.000 người, nhiều địa phương có thế hệ thứ 4 bị phơi nhiễm. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước cùng với các cấp ban ngành, hội đoàn đã có nhiều nỗ lực chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Nhân kỷ niệm 53 năm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” (10/8/1961 - 10/8/2014), phóng viên Đài TNND TPHCM có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TPHCM về các hoạt động chăm lo cho nạn nhân da cam tại thành phố trong thời gian qua cũng như trong giai đoạn sắp tới.


Các nạn nhân da cam ở Việt Nam hiện được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ảnh: DNonline

Các nạn nhân da cam ở Việt Nam hiện được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ảnh: DNonline
* Thưa ông, xin ông cho biết sơ nét về những hoạt động của Hội trong dịp kỷ niệm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” ngày 10/08 năm nay? 

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Năm nay vừa đúng 53 năm cho nên Hội nạn nhân da cam VN tổ chức 53 năm kỷ niệm thảm họa. Nội dung của Hội da cam VN nói chung và TPHCM nói riêng tập trung vào chăm lo cho nạn nhân, cụ thể là chăm sóc y tế và chỉnh hình cho các nạn nhân có thể đi lại được do cộng đồng quốc tế giúp đỡ. Thứ hai đi thăm, làm nhà tình nghĩa cho những nạn nhân quá cực khổ, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng.

* Thưa ông, bên cạnh sự quan tâm và chăm lo của Hội dành cho những nạn nhân chất độc da cam thì cộng đồng trong nước cũng như quốc tế đã có những hỗ trợ như thế nào dành cho họ thưa ông? 

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Sau khi chúng ta bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ, vấn đề da cam nước Mỹ cũng đã thừa nhận, cho nên Hội chữ thập đỏ quốc tế (trăng lưỡi liềm đỏ) họ cũng đi vận động. Và đồng thời họ cũng đến tận nơi. Chúng tôi tiếp rất nhiều đoàn của nước ngoài đến đây, họ đến tận nơi thăm nạn nhân của mình và những nơi bị rải chất độc hóa học. Đặc biệt cựu chiến binh của Mỹ, cựu chiến binh của Hàn Quốc, của Úc, Pháp nói chung các nước ở châu Âu có vấn đề về chiến tranh, trong mấy năm nay họ cũng đều có mặt. Và năm nay họ cũng có mặt để kỷ niệm 53 năm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” tại TPHCM.

* Với những kết quả chăm lo của Hội cũng như của cộng đồng dành cho các nạn nhân chất độc da cam như ông vừa cho biết thì cuộc sống của họ đến nay có sự thay đổi như thế nào thưa ông?

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Cuộc sống của họ hiện nay thay đổi rất nhiều. Trước đây họ còn e ngại, họ cho rằng số phận xấu số nên họ ít gặp cộng đồng, nhưng trong mấy năm nay họ hoà vui. Chúng tôi cấp vốn cho làm nhà, nhà cửa tương đối khang trang. Rồi cộng đồng cũng giúp đỡ, bản thân bị tật nguyền chứ trong cuộc sống thì họ vui lên phần nào đối với trên đà phát triển chung của xã hội hiện nay.

* Thưa ông, đối với dự án Làng Cam dành cho những nạn nhân chất độc da cam mà Hội đã triển khai đến nay đã thực hiện đến đâu và dự kiến bao giờ sẽ hoàn thành?

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Đối với Làng Cam thì đây là vấn đề chúng tôi rất vui mừng, vì hiện nay trên địa bàn TPHCM của chúng ta có khoảng 20 ngàn nạn nhân, trong đó có 5.000 cựu chiến binh còn 15.000 nạn nhân từ các nơi về. Hiện nay cuộc sống của 1/3 người trong số đó đi lại rất khó khăn, trong đó 1/3 nữa không có nơi nương tựa, họ phải sống ở nhà chùa, ở các trung tâm…cho nên thành phố đã cấp cho Hội nạn nhân chất độc da cam TPHCM 49.000 m2 đất ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hốc Môn. Hiện nay thủ tục đã xong hết. Chúng tôi sẽ thực hiện vào quý 4/2014, bắt đầu triển khai, sang lấp mặt bằng thực hiện từng hạn mục một. Kết thúc vào đầu 2019, trong vòng 4 năm. Trung tâm sẽ nuôi dưỡng những người không còn cha mẹ, chữa bệnh bằng thuốc đặc trị cho những nạn nhân bị phơi nhiễm và dạy nghề cho con em của nạn nhân, để họ tự vươn lên trong cuộc sống. Tiền để xây dựng Làng Cam là do nước ngoài tài trợ.

* Thưa ông, việc đi đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam đến nay như thế nào, ông có thể cho biết tình hình hiện tại?

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Vấn đề này hiện nay là vấn đề nóng. Ba lần trước chúng ta khởi kiện nhưng Mỹ không thừa nhận. Mỹ cho rằng ai làm người nấy chịu, mà công ty hóa chất Hoa Kỳ và quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm cho nên chúng tôi bị bác đơn. Lần thứ 4 này chúng tôi làm đơn khởi kiện đặc trách về các công ty hóa chất Hoa Kỳ. Hiện nay tòa án Liên bang Mỹ đã nhận đơn của chúng tôi. Và họ sẽ tranh luận với chúng tôi vào đầu quý 1/2015. Chúng tôi đã chuẩn bị 50 nạn nhân thế hệ thứ 2 biết nói tiếng Anh để đi Mỹ khởi kiện lần 4 này. Và hiện nay có một vụ kiện đơn lẻ cũng về da cam của Việt Nam, tại chiến trường Việt Nam, nhưng kiện ở tòa án Châu Âu do bà Nguyễn Thị Tố Nga là nạn nhân chất độc da cam VN hiện đang định cư tại Pháp, vận động một số kiều bào ở Châu Âu cũng là nạn nhân da cam tập trung vào khởi đơn kiện. Tòa án Châu Âu đã nhận đơn này rồi và tháng 9 này sẽ tranh tụng tại phiên toàn Châu Âu. Chúng tôi thấy hai kết việc này khả quan, rất tốt.

* Thưa ông, trong thời gian tới, Hội có những hoạt động, kế hoạch gì nhằm hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam thưa ông?

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Chúng tôi ngày càng phát triển thêm vì sắp tới đây chúng tôi tổ chức đại hội Hội nạn nhân chất độc da cam lần thứ 3 để bầu ra ban chấp hành mới và bắt đầu tiến hành 2 việc chúng tôi làm cho nạn nhân da cam. Thứ nhất là chăm sóc y tế, thứ hai là tẩy độc môi trường ở những nơi mà Mỹ rải chất độc hóa học. Thứ ba là xây dựng bằng được Làng Cam càng nhanh càng tốt để đưa nạn nhân về đó ở. Đây là minh chứng lịch sử, đồng thời cũng để tố cáo đối với thế giới về thảm họa da cam ở Việt Nam còn tồn tại ở TPHCM, đồng thời giảm bớt gánh nặng xã hội đối với TPHCM trong nhiệm vụ của Hội nạn nhân chất độc da cam phải làm. Thứ tư là chăm sóc học hành, chăm sóc y tế, dạy nghề cho con em nạn nhân chất độc da cam để các cháu tự vươn lên trong điều kiện hiện nay. Và bên cạnh đó chăm sóc cho những những người khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Nhà nước ta mỗi năm phải bỏ ra 2.000 tỷ để chăm lo vấn đề này, đây là sự quan tâm rất lớn đối với nạn nhân da cam.

* Xin cám ơn ông.
Ngọc Thanh