Chờ...

Nhiều cán bộ còn dè chừng, né tránh nhiệm vụ được giao

(VOH) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triể

Phát biểu tại hội trường thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông đoàn Bình Thuận cho rằng kinh tế - xã hội Việt Nam còn nhiều thách thức lớn trong 2023. 

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, việc đánh giá thật đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh là chưa tương xứng. Một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch đã khó khăn, tuy Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn còn chưa thoát nghèo, thoát được khó khi giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều thách thức…

Nhiều cán bộ còn dè chừng, né tránh nhiệm vụ được giao 1
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Hình thức kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi có, có nơi chưa nghiêm, còn nhiều cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý hình sự. 

Phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận cho biết, có cán bộ từng tâm sự với ông là "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Theo ông Thông, dù Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhưng chủ trương đúng đắn này chưa được cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật. Cán bộ chỉ làm cầm chừng, không dám đột phá. Vì vậy, ông Thông đề nghị các bộ ngành thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách để điều chỉnh cho đồng bộ, sát thực tiễn.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đồng thuận với quan điểm của đại biểu Nguyễn Hữu Thông về việc hiện nay, nhiều cán bộ công chức còn đùn đẩy, né công việc. Tâm lý này đã ảnh hưởng rất lớn đến triển khai, thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân. 

Nhiều cán bộ còn dè chừng, né tránh nhiệm vụ được giao 2
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tranh luận tại Hội trường.

Nếu nói nguyên nhân là do vướng mắc của triển khai chính sách pháp luật thì chưa đủ mà qua nghiên cứu, tìm hiểu thì nguyên nhân chính là do con người, công đoạn tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Đối với cán bộ còn hạn chế về năng lực, vẫn còn tình trạng sợ không dám thực hiện nhiệm vụ. Còn đối với một số cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế và còn tình trạng nghe ngóng, né tránh. Ngoài ra, còn đối tượng cán bộ là đã làm ẩu, thiếu trách nhiệm khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013 nhưng bây giờ không dám làm nữa hoặc làm cầm chừng vì sợ sai như khi đã thực hiện.

Theo đại biểu, Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh lại trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý để không ảnh hưởng đến tiến độ, nhiệm vụ công việc và trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Cũng trong sáng nay, tại Hội trường Quốc hội, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận về việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và tồn tại nhiều năm; Giải pháp xử lý tình trạng gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc; Giải quyết vấn đề giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

VOH Online sẽ tiếp tục cập nhật tại đây.