Tỉnh Hưng Yên, đến ngày 10/3, toàn tỉnh đã thành lập 170 chốt kiểm dịch với 17 chốt có lực lượng liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan.
Cấp tỉnh thành lập 10 chốt trên các trục đường giao thông chính như cầu Yên Lệnh, cầu Triều Dương, cầu Hưng Hà, Quốc lộ 5, Quốc lộ 38... Đây là các địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương và thành phố Hà Nội.
Cấp huyện, thành phố đã thành lập được 7 chốt ở thành phố Hưng Yên và các huyện Yên Mỹ, Văn Giang.
Riêng huyện Yên Mỹ là một trong những địa bàn đầu tiên có ổ dịch đã thành lập 4 chốt, huyện Văn Giang mới phát sinh ổ dịch tại xã Nghĩa Trụ đã thành lập 2 chốt.
Ngày 9/3, ngay sau khi phát hiện ổ dịch lợn tả châu Phi đầu tiên tại xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khoanh vùng và tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh tránh để bệnh dịch lây lan phát tán. Tính đến thời điểm hiện tại, thị xã Đông Triều là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh xuất hiện ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Phun độc khử trùng chuồng trại bị nhiễm dịch. (Ảnh: Tuấn Anh-Văn Đức/TTXVN)
Sáng 10/3, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nam Định xác nhận trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi tại 1 hộ chăn nuôi ở xóm 9, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh.
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nam Định đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy đàn heo của gia đình ông Kiên, tiến hành khoanh vùng dịch, rải vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng, thành lập chốt kiểm dịch cơ động.
Tại Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư cũng vừa công bố dịch tả heo châu Phi tại một hộ chăn nuôi ở thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang. Huyện Hoa Lư phối hợp với cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ 59 con heo của hộ gia đình bị dịch.
Đồng thời thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành để phòng, chống dịch bệnh tại xã Ninh Khang và ban hành công điện khẩn yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.