Nhiều kết quả đạt được trong nhiệm kỳ công tác 5 năm

(VOH) - Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội còn tập trung cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

Trong tuần làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 11- kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội còn tập trung cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết kỳ họp này là dịp để đánh giá, nhìn nhận lại những thành tựu, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và các mặt công tác khác, từ đó phân tích rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào thời kỳ phát triển mới. Đây là kỳ họp mang tính cầu nối, góp phần vào việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

nhieu-ket-qua-dat-duoc-trong-nhiem-ky-cong-tac-5-nam-voh.com.vn-anh1
Quang cảnh kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc hội

Quốc hội đã dành 3 buổi phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIV. Đa số các báo cáo đều khẳng định kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 5 năm qua, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV.

Trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tuy còn những tồn tại, hạn chế nhưng công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều đổi mới, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt và sáng tạo, đóng góp vào những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm 2016-2020, tô đậm thêm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể khái quát thành tựu nhiệm kỳ qua trong 5 cân đối hài hòa lớn: “Đó là sự hài hòa giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, giám sát của Quốc hội, hợp tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức xã hội... Hài hòa trong cân đối các nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, bảo đảm nguồn nhân lực và nhiều cân đối vĩ mô khác…”.

Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 14 của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đa số các ý kiến thống nhất cho rằng, Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình và thể hiện niềm tự hào là đại biểu Quốc hội khóa XIV vì đã làm tròn vai đại biểu Quốc hội trước nhân dân với những quyết sách và kết quả đã được thể hiện trong 2 báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Quốc hội tổng kết nhiệm kỳ.

Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang), một trong những nguyên nhân mang đến những kết quả tốt của nhiệm kỳ là câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật: “Nếu có liêm chính thì sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan toàn diện… thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều khuyết tật".

Tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn, đó là chất lượng của các đạo luật được thông qua, các đại biểu cho rằng, trong 72 luật được thông qua trong nhiệm kỳ, thì có đến 1/3 luật là sửa đổi, bổ sung, điều đó cho thấy tuổi thọ của luật còn hạn chế. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) khẳng định, đã là luật thì phải mang tính ổn định, lâu dài, lúc đó nhà đầu tư mới có thể quyết định đầu tư dài hạn. Do đó, cần phải đầu tư hơn cho công tác lập pháp, kể cả đầu tư về nguồn nhân lực, đầu tư về tài chính.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội bày tỏ, Quốc hội khóa XIV đã thông qua những đạo luật đảm bảo chất lượng đảm bảo công khai, minh bạch công bằng và không có biểu hiện tham nhũng chính sách. Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ, lật đi lật lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện, có thể nhận thấy có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến: "Điều đáng băn khoăn đó là trong số 72 đạo luật được Quốc hội khóa 14 thông qua… có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách".

Ngoài ra, Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) các đại biểu quốc hội đề nghị làm rõ phạm vi, trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Theo đánh giá, mặc dù đây là kỳ họp cuối nhiệm kỳ nhưng các đại biểu đã phát biểu với không khí thẳng thắn, trách nhiệm và đầy cảm xúc. Hôm nay Quốc hội nghỉ, ngày mai thứ 2, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ.

Bình luận