Nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán

(VOH) - Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, dư nợ công đến 31/12/2018 là hơn 3.200.000 tỷ đồng, bằng hơn 58% GDP thực hiện; nợ Chính phủ gần 2.800.000 tỷ đồng, gần bằng 50% GDP thực hiện.

Nợ công tăng, áp lực về nghĩa vụ trả nợ ngày càng cao đối với nhà nước. Trong đó, chi trả nợ lãi hơn 100.000 tỷ đồng bằng 146% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương và bằng hơn 68% bội chi ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 trước Quốc hội vào chiều 28/5 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, dư nợ công đến 31/12/2018 là hơn 3.200.000 tỷ đồng, bằng hơn 58% GDP thực hiện; nợ Chính phủ gần 2.800.000 tỷ đồng, gần bằng 50% GDP thực hiện. Mặc dù các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước nhưng dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng trên 159.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5% so với năm 2017. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với nhà nước. Trong đó, chi trả nợ lãi hơn 100.000 tỷ đồng bằng 146% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương và bằng hơn 68% bội chi ngân sách nhà nước năm 2018.

Liên quan đến chi ngân sách, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chỉ rõ, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán hơn 2.000 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 9.500 tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này.  

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao. “Mục tiêu đặt ra trong kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, cơ cấu thu nội địa so với tổng thu ngân  sách nhà nước khoảng 84-85%; tỉ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP, nhưng thực tế năm 2018, cơ cấu thu nội địa chỉ chiếm 80,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Tỉ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí chỉ đạt 19,1% GDP. Đồng thời, thu nội địa không bao gồm các khoản thu về nhà đất giảm 1,7% so với dự toán. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở cả ba khu vực là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều tiếp tục không đạt dự toán”, đại biểu Đức Hải nêu.

Trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 bằng 2,8% GDP. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức là hơn 300 tỉ đồng: “Tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỉ đồng. Kho bạc Nhà nước cũng phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán 96 tỉ đồng. Việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định”.

Có 34/45 địa phương được kiểm toán đã sử dụng sai nguồn kinh phí gần 900 tỉ đồng; 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp 145 tỉ đồng; 37/45 địa phương chưa hoàn trả ngân sách trung ương kinh phí bổ sung có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định hơn 1.600 tỉ đồng. Bộ Tài chính cũng tổng hợp đưa vào quyết toán ngân sách năm 2018 một số khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương gần 5.400 tỉ đồng.

Đề nghị bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai đặc thù

Cũng chiều 28/5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Đại diện cho cơ quan thẩm tra, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, đối với cháy rừng có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai. Việc phòng, chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành về lâm nghiệp, về phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài nên nguy cơ cháy rừng ở nhiều tỉnh/thành phố của nước ta luôn ở mức độ cao cấp 4 - nguy hiểm, cấp 5 - đặc biệt nguy hiểm, xảy ra trên diện rộng.


Các đại biểu quốc hội tại hội trường.  

Thực tế, các vụ cháy rừng lớn đều có nguyên nhân từ nắng nóng kéo dài và có tính chất nghiêm trọng. Việc khống chế các vụ cháy này đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; phải sử dụng bộ máy của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để ứng phó. Trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng kéo dài, hạn hán có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng càng cao; đe dọa đến tính mạng, tài sản hơn 9 -10 triệu người dân sinh sống ở trong rừng, ven rừng và gây ra nhiều hệ lụy khác. Do vậy, cháy rừng ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng chống, kiểm soát, huy động nguồn lực, tăng cường công tác chỉ đạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Phan Xuân Dũng cho biết: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quốc hội cho phép bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai đặc thù. Trong văn bản dưới luật, ở nội dung về cấp độ rủi ro thiên tai, Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở cấp độ nào sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống thiên tai. Bổ sung quy định cho bố trí ngân sách cho phòng chống thiên tai từ nguồn kế hoạch trung hạn, có cơ chế đặc thù đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai, đặc biệt là hoạt động ứng phó khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai. Để phú hợp với tính chất mức độ quy mô và tần suất, việc sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước thì nên sử dụng hết của địa phương mới đề nghị chính phủ hỗ trợ”.

Việt Nam phản đối hành vi trồng rau của Trung Quốc ở Hoàng Sa - Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tuyên bố mọi hoạt động tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Kích cầu du lịch nội địa và quảng bá hình ảnh điểm đến TPHCM - Tin từ Văn phòng UBND TPHCM, hàng loạt chương trình kích cầu du lịch sẽ được triển khai để phát triển du lịch TPHCM trong thời gian tới.