Nhớ “Người đi tìm hình của nước”

(VOH) – Nhiều năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ những tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một trung tâm giáo dục về lịch sử cách mạng, tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Bác Hồ kính yêu.

Những hiện vật, câu chuyện về Bác được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh không chỉ lay động những thế hệ sinh ra và trưởng thành trong thời đạn bom mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn, gần gũi hơn với Bác. Trong những ngày đầu tháng Sáu, dòng người tìm đến Bảo tàng Hồ Chí Minh dường như đông hơn, bởi tìm về nơi đây, mọi người cảm thấy gần gũi và ấm áp với những hình ảnh, tư liệu rất sinh động về cuộc đời cách mạng của Bác và để hiểu hơn về tấm lòng của Bác với miền Nam thân yêu.

Dù ở đâu, đi đâu người dân vẫn luôn một lòng nhớ đến Bác. Ông Nguyễn Đức Thắng, du khách từ Hà Nội vào TPHCM liền tìm đến thăm bảo tàng. Đây là tình cảm của ông dành cho Bác và cũng là cách mà ông dạy con cháu biết yêu thương, quý trọng Bác. Ông cho biết nhà ở gần Hà Nội và đã từng tham quan lăng Bác nhưng thực lòng  khi vào thăm  lần đầu tiên bảo tàng ở đây, tôi rất xúc động, bồi hồi và ngưỡng mộ Bác.

Bảo tàng Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành điểm đến của biết bao thế hệ trẻ. Đặc biệt, các trường học trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm Bảo tàng để học sinh biết và hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu; nhiều gia đình thì đưa trẻ đi tham quan như một phần thưởng sau năm học.

Ông Nguyễn Văn Quảng, nhà ở quận 7  cho biết, nghĩ hè nên dẫn con đến Bảo tàng để học hỏi và hiểu thêm về cuộc đời, tư tưởng của Bác dành cho người miền Nam, và  cả cho đất nước Việt Nam. Lần nầy, đi xem bảo tàng, con tôi đã có bài học rất hữu ích cho việc học tập cũng như là định hướng học tập của con tôi.

Có dịp thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh vào đúng dịp kỷ niệm 106 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, bà Nguyễn Thị Thanh, ở quận 4 không khỏi bồi hồi xúc động. “ Biết được ngày 5/6 là ngày kỷ niệm Bác ra đi tìm đường cứu nước, nên mong muốn được đến đây tìm hiểu thêm về con đường ra đi của Bác và hiểu hơn về sự phát triển của đất nước Việt Nam”, bà Thanh nói.

Còn bà Phạm Bích Phương, ngụ ở tỉnh Thái Bình lần đầu tiên được đến Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cũng  cho biết tình cảm qua qua lời kể run run: “Vào thăm Bến Nhà Rồng tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào vì đã được đến thăm nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước để hiểu hơn về con đường mà Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.”

Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh internet

Hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành - lúc đó lấy tên là Văn Ba - đã lên đường sang Pháp với hai bàn tay trắng và một khát vọng cháy bỏng muốn được tìm “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” cách đây hơn 100 năm tại Bến Nhà Rồng vẫn luôn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Hành trình của người thanh niên mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn khi ấy được đánh giá như một bước ngoặt quan trọng của cách mạng, và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với công cuộc giải phóng, giành độc lập, tự do cho đất nước. Người đã vượt qua 3 đại dương, 4 Châu lục và hơn 30 quốc gia trong hành trình suốt cuộc đời phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp là đi “tìm hình của nước”. Những hình ảnh đó được Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ để người người đời sau luôn ghi nhớ công ơn to lớn của Người và là bài học thiết thực, sinh động nhất cho các thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước của Bác.

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ những tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác