Nhức nhối tai nạn trẻ em mỗi dịp hè

VOH - Mùa hè, mùa của trẻ nhỏ thư thả sau 1 năm học dài, mùa của những trải nghiệm thú vị thời thơ ấu. Nhưng đâu đó, vị đắng chát đến ám ảnh của những tai nạn thương tâm vẫn dội lên nhiều mái nhà.

Chiều 24/6, UBND tỉnh Lâm Đồng có công điện về vụ cháy tại đường Nguyên Phi Ỷ Lan, phường 7, thành phố Đà Lạt làm 3 cháu nhỏ tử vong.

Sáng cùng ngày, người dân phát hiện đám cháy bốc ra từ căn phòng khóa cửa trên đường Nguyên Phi Ỷ Lan, phường 7, thành phố Đà Lạt. Khi phát hiện vụ việc, người dân đã hô hoán phá cửa.

Nhưng 3 cháu nhỏ gồm V.A.K. (sinh năm 2018), V.N.B.A. (sinh năm 2020) và V.M.A. (sinh năm 2023) đã không kịp đợi người lớn ứng cứu, cả ba em đã tử vong.

Cũng trong ngày 24/6, tại xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, Nghệ An xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 anh em trong một gia đình tử vong.
Đó là cháu Quang Đại Nam (sinh năm 2013) cùng em gái là Quang Mộng Kiều (sinh năm 2017) ra tắm suối, bị trôi ra khu vực nước sâu, đuối nước tử vong.

Ngày 22/6, gia đình anh Đ. phát hiện hai con gái là L.N.Q. (12 tuổi) và L.A.T. (9 tuổi) tử vong tại hố nước cạnh công trường thi công trường nằm ngay phía sau nhà (thôn Thanh Lộc).

Đó chỉ là những con số thương tâm trong 3 ngày gần đây nhất được báo chí ghi nhận. Mỗi ngày, lướt qua các dòng tin, dễ dàng bắt gặp những từ ngữ đau lòng như vậy.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%.

Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.

Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.

Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày.

Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, nhóm tuổi 15-19 chỉ chiếm khoảng 16%; từ 5-9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ gần tương đương với nhóm 5-9 tuổi (26%).

kham benh -tre-em-BV-Nhi-trung-uong
Ảnh minh họa: BVCC

Làm gì để những ngày hè trôi qua êm đềm, hạnh phúc với trẻ thơ, và cả với người lớn?

Đây là khoảng thoài gian trẻ có thời gian nghỉ kéo dài, đi du lịch, về quê hoặc không được gia đình kiểm soát chặt chẽ.

Các tai nạn thường gặp như tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, ngộ độc do hóa chất, thực phẩm, vật sắc nhọn đâm, cắt, đánh nhau, bạo lực hoặc do tiếp xúc với các vật nổ như pháo và bao gồm cả trường hợp thương tích do hành động tự tử gây ra.

Mỗi gia đình cần tự rà soát lại những nguy cơ có thể gây tai nạn thương tích đối với con trẻ có biện pháp khắc phục.

Hướng dẫn trẻ có kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước, cách xử lý khi xảy ra hỏa hoạn...

Chẳng han, hãy dạy trẻ biết cách sử dụng an toàn thiết bị điện trong gia đình nhưng không khuyến khích trẻ sử dụng lúc không có sự giám sát của người lớn.

Đối với những gia đình có hồ bơi, hồ chứa nước cần phải có rào chắn, có sự giám sát chặt chẽ của người lớn để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Bình luận