Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2018

(VOH) - Hộ, cá nhân kinh doanh được cấp hóa đơn điện tử miễn phí; Rút ngắn thời gian cấp phép chứng thực chữ ký số… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2018.

Hộ, cá nhân kinh doanh được cấp hóa đơn điện tử miễn phí

Nghị định 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/11/2018 quy định cụ thể về các đối tượng được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí, trong đó có:

- Hộ, cá nhân kinh doanh, trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc 10 tỷ đồng trở lên lĩnh vực thương mại, dịch vụ;

Hộ, cá nhân kinh doanh được cấp hóa đơn điện tử miễn phí

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong 12 tháng, kể từ khi thành lập doanh nghiệp;

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn;

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh, trừ doanh nghiệp hoạt động tại khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

Doanh nghiệp dưới 10 lao động được miễn gửi thang, bảng lương

Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định 121/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

Nghị định này quy định doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/11/201.

Rút ngắn thời gian cấp phép chứng thực chữ ký số

Theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, có hiệu lực từ ngày 15/11/2018 thì thời gian thẩm tra hồ sơ và cấp phép chứng thực chữ ký số được rút ngắn còn 50 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp phép hợp lệ thay vì 60 ngày như trước đây.

Để được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;

- Có chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia cấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất giữ nguyên thời hạn giấy phép cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là 10 năm; chứng thư số cấp cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có thời hạn 5 năm.

Phạt đến 200 triệu đồng khi bán hàng đa cấp bất chính

Nghị định 141/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2018 quy định mức phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng áp dụng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi bán hàng đa cấp bất chính sau:

- Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó…

Phạt gấp 2 lần mức phạt nêu trên nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trở lên.

Hướng xử lý với thực phẩm không an toàn bị thu hồi

Theo Thông tư 23/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/11/2018, sau khi bị thu hồi, những thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ được xử lý theo một trong các hình thức sau:

- Khắc phục lỗi ghi nhãn: Áp dụng đối với sản phẩm vi phạm về ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm;

- Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng với sản phẩm vi phạm có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng không sử dụng được trong thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào lĩnh vực khác;

- Tái xuất: Áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng;

- Tiêu hủy: Áp dụng với trường hợp sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng hoặc mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.

3 loại thực phẩm chức năng cho trẻ em phải kê khai giá

Thông tư 22/2018/TT-BYT quy định Danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá. Danh mục này bao gồm 3 loại thực phẩm chức năng: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Thực phẩm dinh dưỡng y học; Thực phẩm bổ sung, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Danh mục nêu trên là cơ sở để các cơ quan thực hiện quản lý giá theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thông tư, trước ngày 1/7/2019, UBND cấp tỉnh phải đăng tải toàn bộ danh sách các sản phẩm đã được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc do tổ chức, cá nhân tại địa phương tự công bố.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.

Hiến máu tình nguyện được nhận quà là dịch vụ khám, chữa bệnh

Từ 1/11/2018, chế độ hỗ trợ đối với người hiến máu, bao gồm cả hiến máu lấy tiền và hiến máu tình nguyện không lấy tiền sẽ được áp dụng theo Thông tư 20/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Cụ thể, người hiến máu toàn phần tình nguyện được lựa chọn nhận quà tặng là dịch vụ khám, chữa bệnh thay vì chỉ được nhận quà tặng bằng hiện vật như trước đây. Giá trị tối thiểu của quà tặng như sau:

- 100.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 250ml;

- 150.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 350ml;

- 180.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 450ml.

Thủ trưởng của đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn.

Các trường phổ thông tiến tới học 2 buổi/ngày

Nghị định 127/2018/NĐ-CP ngày 21/09/2018 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.

Chính phủ giao UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông.

Chính phủ cũng nhấn mạnh, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức đăng ký, huy động tối đa người trong độ tuổi đi học bảo đảm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.

Trường mầm non ở thành phố có diện tích tối thiểu 8m vuông/trẻ

Nghị định 135/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 20/11/2018 quy định, trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ phải được đặt tại khu dân cư bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường.

Về diện tích xây dựng, các trường nêu trên phải đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du và 8m2 cho một trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao và hải đảo.

Trường mầm non ở thành phố phải có diện tích tối thiểu 8m2/trẻ

Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, yêu cầu đặt ra là phải có giáo viên trình độ đạt chuẩn; có diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ít nhất 1,5m2 cho một trẻ, có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; có chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường ngủ và chăn gối màn để ngủ…

Tại những nơi chưa có mạng lưới trường mầm non đáp ứng yêu cầu, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhưng phải đăng ký hoạt động với UBND xã, số lượng trẻ em trong các nhóm trẻ này tối đa chỉ là 7 trẻ.

Không sử dụng người dưới 18 tuổi làm công việc bức xạ

Các cơ sở y tế không được sử dụng người dưới 18 tuổi để vận hành các thiết bị bức xạ, làm việc với các nguồn phóng xạ, chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ bị chiếu xạ với mức liều lớn hơn 1mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ.

Với những người bệnh điều trị thuốc phóng xạ I-131, được xuất viện về nhà khi mức hoạt động phóng xạ được đánh giá còn trong người không quá 1100MBq. Khi người bệnh xuất viện, bác sĩ phải tư vấn và cung cấp văn bản hướng dẫn cho người bệnh về các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ cho người thân, đồng nghiệp và cộng đồng.

Nội dung trên được nêu tại Thông tư 13/2018/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.

Không sử dụng hình ảnh hút thuốc lá trong phim dành cho trẻ em

Theo Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL, tác phẩm sân khấu, điện ảnh không được sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá trong các trường hợp sau đây:

- Thể hiện hành vi bị nghiêm cấm và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án hành vi này;

- Ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá;

- Thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, diễn viên chỉ được sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm điện ảnh khi: Khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; Tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; Phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá; Trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.

Bình luận