Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2017

(VOH) - Nghiêm cấm bán rượu, bia cho trẻ em, trẻ em được bảo vệ bí mật đời sống riêng tư; không bắt buộc đổi bằng lái xe sang thẻ PET; giảm mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; tăng phí khám chữa bệnh,... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 6/2017.

Nghiêm cấm bán rượu, bia cho trẻ em

Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 của Quốc hội có hiệu lực từ 1/6 quy định: Nghiêm cấm bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

Ảnh: Dân trí

Trẻ em có các quyền được pháp luật bảo đảm và bảo vệ như: quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi...

Đưa thông tin trẻ lên mạng phải được sự đồng ý của các em

Có hiệu lực từ 1/6, Luật Trẻ em nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ; không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực; bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em…

Ảnh: internet

Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em phải có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em tự biết bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

Giảm mức đóng BHXH bắt buộc

Có hiệu lực từ ngày 1/6, Nghị định 44/2017 của Chính phủ quy định giảm mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ảnh: TVPL

Cụ thể, giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động (NLĐ). Giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên lương cơ sở đối với NLĐ quy định tại điểm e khoản 1 điều 2 Luật BHXH 2014 gồm: hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

Tăng phí khám chữa bệnh

Theo Thông tư số 02/2017 của Bộ Y tế, từ ngày 1/6, Bộ này sẽ áp dụng khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới đối với bệnh nhân không có BHYT trong các cơ sở của nhà nước.

Ảnh: Dân trí

Cụ thể, tùy vào nơi khám bệnh, mức giá được quy định từ 29.000 đồng đối với trạm y tế xã, bệnh viện hạng IV; các bệnh viện chưa được phân hạng, các phòng khám đa khu vực đến 39.000 đồng đối với bệnh viện hạng đặc biệt (quy định hiện hành chỉ từ 5.000-20.000 đồng).

Mức giá ngày giường bệnh từ 54.000-362.800 đồng (quy định hiện hành chỉ từ 12.000-80.000 đồng). Ngoài ra, một số thủ thuật, xét nghiệm cũng được điều chỉnh tăng giá từ 20%-30%.

Không bắt buộc đổi bằng lái xe sang thẻ PET

Từ ngày 1/6, Bộ Giao thông vận tải khuyến khích thực hiện đổi GPLX bằng giấy bìa sang GPLX bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2020 thay vì bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi theo lộ trình như quy định trước đây.

Ảnh: Dân trí

Người có GPLX có thời hạn phải thực hiện đổi GPLX trước khi hết thời hạn sử dụng, trong khi quy định cũ cho phép người có GPLX quá thời hạn sử dụng dưới ba tháng, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch vẫn được xét cấp lại giấy phép.

Người có GPLX hạng E đủ 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ, có nhu cầu tiếp tục lái xe, nếu có đủ sức khỏe theo quy định, được xét đổi GPLX từ hạng D trở xuống.

Tốt nghiệp trung cấp nghề phải đạt ngoại ngữ bậc 1/6

Thông tư 12 của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6, quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng.

Theo đó, người học sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp phải đảm bảo các kỹ năng sau: Có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.

Ảnh: VGP

Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ trung cấp là 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và có thời gian học tập từ 1 đến 2 năm học tùy theo từng ngành, nghề đào tạo. Khối lượng kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải đảm bảo tỷ lệ: lý thuyết chiếm từ 25-45%; thực hành từ 55-75%.

Bình luận