Những kỷ vật đi cùng năm tháng

(VOH) - Tại TP HCM, lần đầu tiên, những hồ sơ sau gần 40 năm xa cách đã trở về với cán bộ, chiến sĩ đi B và thân nhân của họ khi thành phố tổ chức trao trả 100 hồ sơ cho cán bộ đi B vào ngày 25-7 vừa qua. Tuy những bộ hồ sơ, những kỷ vật đã úa màu thời gian nhưng đó là minh chứng về một giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn liền với số phận hàng vạn con người không tiếc máu xương hy sinh vì nghĩa lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang trao trả hồ sơ, tài liệu cho cán bộ đi B và thân nhân cán bộ đi B của TP.HCM. Ảnh: PNO

Ghé Chi cục Văn thư Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ TPHCM, chúng tôi may mắn được chạm tay vào những kỷ vật quý giá của một cột mốc thời gian đặc biệt - năm 1954. Hàng ngàn bộ hồ sơ nằm đó, im lìm nhưng bên trong chứa đựng cả một thời hoa lửa của một thế hệ đã dấn thân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.   

“Năm ấy tôi 24 tuổi, là năm tạm biệt quê hương lên đường ra Bắc theo lời dạy của Bác Hồ. Hôm đó trời thu trong và sáng, con tàu chở chúng tôi lướt trên dòng sông qua những cánh đồng bát ngát… Ra đất Bắc, sống trong không khí hòa bình, được gần Bác, Trung ương Đảng, tôi cảm thấy lớn lên. Càng lớn lên, tôi càng nhớ da diết tấm lòng của miền Nam, của những người thân yêu ruột thịt, anh em đồng chí… Đứa con của tía má, đứa em của anh chị, người chồng, người anh của các em đã lên đường vì Tổ quốc, vì thống nhất Bắc Nam nên tía má, các anh chị em không còn được gặp mặt…” - đó là những dòng mở đầu trong tập hồi ký của chiến sĩ Nguyễn Thành Niên, một trong số những người con miền Nam nhận lệnh tập kết ra Bắc năm 1954.

Những câu chữ giản dị, hồn hậu thế thôi, nhưng lại ẩn chứa trong đó là cả sự quyết tâm, là ngọn lửa của tuổi đôi mươi lên đường vì Tổ quốc. Lần giở những trang hồi ký đã úa màu, càng đọc, chúng tôi càng thắt lòng trước tâm tư của anh bộ đội Cụ Hồ ngày ấy. Năm 1952, chiến sự ác liệt, chiến sĩ Nguyễn Thành Niên ghi lại trong hồi ký những dòng sau: “Có những đêm đơn vị tôi đi gác bên đồn giặc để toàn trung đoàn vác gạo. Nằm cạnh đồn giặc là nhà dân, nhìn vào ánh đèn mờ mờ trong nhà, thấy bác nông dân đang ngồi uống nước, một chị phụ nữ đang vá may, hai em bé nằm nói bi bô trên ván. Ước gì tôi được vào hỏi thăm! Nhà bên, tiếng nhịp chày giã gạo, tiếng trong trẻo ru con; xóm kia tiếng chó sủa vọng về, tôi đứng bên gốc chuối cạnh nhà mà tưởng như ngày còn ở với gia đình. Tôi muốn nói to với các bác, các em rằng: Có cháu, có anh đứng đây, cháu quyết giữ cho cuộc sống ấy sum họp mãi mãi, cho các em vui ca và cắp sách đến trường, cho ruộng lúa thêm xanh …

Em ơi cứ yên giấc

Có anh đứng gác ngoài này

Nếu giặc nó vào đây

Nó sẽ bỏ thây

Cho nước mình độc lập!”

Phải là một người có lòng yêu quê hương đất nước sâu đậm lắm mới có thể viết được những dòng chữ vừa chan chứa tình cảm, vừa đanh thép và hùng hồn đến vậy. Sống trong thời bình, có thể nhiều người sẽ khó mà hình dung ra và hiểu hết sự hy sinh của thế hệ đi trước, nhất là động lực nào đã giúp cha anh mình vượt qua đạn bom ác liệt, sự khủng bố gắt gao của địch cũng như những thiếu thốn, mất mát và đau thương đến tột cùng trong chiến tranh. Chỉ khi đọc được những dòng tâm sự này, chúng ta mới thấy đúng như một nhà văn từng nói: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông... Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc!”.

Có cuộc chia ly nào không quyến luyến, nhất là trong cảnh loạn lạc, ấy vậy mà càng trong nghịch cảnh thì phẩm chất cao quý, sáng ngời của nhân dân ta lại càng đẹp hơn bao giờ hết. Trong thư gửi ra Bắc cho anh trai mình - chiến sĩ Nguyễn Thành Niên, người em gái nhắn nhủ: “Ít lời thăm anh và các anh em mà em đã biết luôn luôn mạnh khỏe, công tác phấn khởi để tiếp tục góp phần vào công cuộc kiến thiết miền Bắc ngày càng vững mạnh, xứng đáng là người con trong gia đình, người con của nhân dân miền Nam đang mong đợi... và đón chờ ngày các anh trở về là ngày vinh quang rực rỡ”. Những mất mát, dở dang chắc hẳn có không ít, vậy mà chẳng một lời than trách, họ đều chỉ một lòng hướng đến ngày non sông thu về một mối, ngày ca khúc khải hoàn trên từng ngọn núi, con sông.

Đọc những tờ đơn tình nguyện đi B đang được lưu trữ - những tờ đơn viết tay bằng lối chữ mộc mạc, có phần giản đơn, hồn hậu, mới thấy những khái niệm như “hoài bão”, “lý tưởng” quả thực rất gần gũi, chân phương. Như lá “Quyết tâm thư” của ông Nguyễn Văn Mỡ - hiện ngụ tại huyện Củ Chi, TPHCM, viết vào năm 1972 khi tình nguyện quay về Nam chiến đấu: “Vì bom đạn của kẻ địch đã cướp lấy một phần sức khỏe của tôi, tôi đã được về hậu phương. Nay xin hạ quyết tâm: Dù ở cương vị nào, Đảng phân công tôi cũng xin quyết tâm hoàn thành xuất sắc. Trong khi đi công tác, bản thân thì yếu nhưng quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để đi tới đích”. Chúng tôi được biết, khi viết lá “Quyết tâm thư” này, ông Mỡ đã bị mất một bàn tay trong một trận đánh ác liệt tại Phước Long. Được đưa ra miền Bắc học tập, chữa trị, người thương binh ấy vẫn một lòng hướng về mảnh đất miền Nam ruột thịt, sẵn sàng lên đường dù có phải hy sinh cả tính mạng. Nay đã 80 tuổi, cầm trên tay những hồ sơ, kỷ vật ghi dấu một thời hào hùng, ông Mỡ rưng rưng: "Nhận được hồ sơ này tôi rất mừng và xúc động, làm tôi nhớ lại những ngày chiến đấu. Những hồ sơ này tôi sẽ giữ lại cho con cháu mừng".

Là một trong những người được tiếp xúc nhiều nhất với những hồ sơ, kỷ vật đặc biệt này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chi cục phó Chi cục Văn thư Lưu trữ cũng bày tỏ sự khâm phục trước tinh thần quả cảm, đức hy sinh cao cả của thế hệ cha anh đi trước. Nhìn cách bà cũng như các nhân viên Chi cục tỉ mỉ phân loại từng kỷ vật, ngược xuôi đôn đáo liên hệ với địa phương để rà soát, tìm kiếm gốc tích từng bộ hồ sơ cũng đủ để thấy đây không chỉ là một việc làm vì trách nhiệm, mà còn chứa đựng biết bao tình cảm của các cán bộ, nhân viên nơi đây: "Sau khi tiếp nhận hồ sơ, tài liệu về cán bộ đi B từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3 về, chúng tôi đã tiến hành phân loại, sắp xếp các tài liệu này. Trong quá trình đó, chúng tôi vô cùng xúc động khi nhìn thấy các hồ sơ này và thấy được công lao của các cô chú, cha anh trước đây".

Theo thông tin từ Sở Nội vụ TP, hiện nay Sở đang bảo quản 1.920 hồ sơ cán bộ đi B của TP.HCM được tiếp nhận từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Từ đó, thành phố đã có nhiều nỗ lực để tìm kiếm địa chỉ của cán bộ đi B và thân nhân. Tuy nhiên do sự thay đổi địa giới hành chính, thay đổi nơi cư trú nên hiện chỉ tìm được địa chỉ chính xác của hơn 200 hồ sơ. Dù vậy, công tác rà soát, tìm kiếm sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Ông Võ Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết thêm: "Sau khi được thông báo địa chỉ của cán bộ đi B, chúng tôi đã tổ chức cán bộ cùng với địa phương đến tiếp xúc với từng người. Sau lễ trao trả 100 hồ sơ cho cán bộ đi B của thành phố kỳ này, số hồ sơ cán bộ còn lại, chúng tôi sẽ phối hợp để tiếp tục trao trả tại quận, huyện nơi các cán bộ đi B này đang cư trú".

60 năm trôi qua, đôi bờ Hiền Lương giờ đã im tiếng súng. Non sông đã liền một dải. Và, để có hòa bình, độc lập cho đất nước hôm nay phải đánh đổi bằng biết bao máu xương, nước mắt của cả một thế hệ.

“Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường”.

Cầm trên tay những kỷ vật in dấu một giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc, chúng tôi tin rằng mai đây, dẫu những kỷ vật, tài liệu này có úa màu theo thời gian thì lý tưởng của thời đại Hồ Chí Minh sẽ mãi còn đó, ấm áp và rực rỡ như ánh mặt trời soi chiếu trên quê hương thanh bình.