Những luận cứ đanh thép về Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam

(VOH) - Bộ phim tư liệu dài 5 tập “Biển đảo Việt Nam – nguồn cội tự bao đời” sẽ phát sóng trên kênh HTV9 vào lúc 21 giờ các ngày 20, 21, 22, 23/ 6/2015 tới đây. Bộ phim được thực hiện công phu, cẩn trọng trên cơ sở xác nhận lại những chứng cứ xác thực của lịch sử, làm rõ những vấn đề về “quyền” của dân tộc mình,...

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quý Hòa - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM tại buổi họp báo giới thiệu bộ phim tư liệu về biển đảo vào chiều qua 18/6.

Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM ( thứ 2 từ phải qua) và ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo. 

Bộ phim tư liệu “Biển đảo Việt Nam – nguồn cội tự bao đời” được thực hiện trong suốt 3 năm, có sự cố vấn của các nhà sử học, nhà nghiên cứu Biển Đông Việt Nam và các nhà nghiên cứu Việt Nam tại nước ngoài. Để thực hiện bộ phim này, các nhà làm phim của HTV đã đến 9 quốc gia trên thế giới để gặp gỡ, tìm kiếm các cứ liệu lịch sử liên quan đến Hoàng Sa và Trường sa: Từ thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đến Đông Dương Văn Khố của Nhật Bản, Văn khố quốc gia Bồ Đào Nha đến bảo tàng của công ty Đông Ấn Hà Lan, thư viện Vatican đến Viễn Đông Bác cổ ở Pháp,... đã hé lộ nhiều tài liệu quan trọng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng từ những quốc gia này, đoàn làm phim đã phỏng vấn những nhà nghiên cứu, các chuyên gia quốc tế, các luật sư. Qua các chứng cứ, tư liệu lịch sử trong và ngoài nước thu thập được, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã khẳng định: Quá trình xác lập chủ quyền các vùng biển, đảo trên biển Đông, trong đó Hoàng Sa, Trường Sa đã có từ các triều đại phong kiến Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa từ những ngày đầu tiên, từ quá trình chiếm hữu và đắc thụ chủ quyền biển đảo hợp pháp. Chia sẻ về 5 tập của bộ phim, nhà biên kịch, đạo diễn Lâm Thanh Quý cho biết: “Tập thứ nhất là sự hình thành chủ quyền biển đảo trong các thời đại Đinh-Lê-Lý-Trần ở các triều đại phong kiến. Tập hai cho thấy người Việt vươn ra biển. Tập ba là cho thấy các chứng cứ không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia ngày xưa đến Việt Nam giao thương. Tập bốn là giai đoạn của các nhà nước thế tục, từ Pháp đến Bảo Đại, đến Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tập năm là dự luận, khẳng định nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa làm chủ biển đảo từ sau giải phóng đến giờ”.

Tới đây, Đài Truyền hình TP.HCM cũng sẽ tiếp tục cho ra mắt bộ phim: “Ký sự biển đảo quê hương” ghi nhận, phản ánh về vùng biển cực Tây Nam của Tổ quốc./.