Những phụ nữ "chân không yếu-tay không mềm"

(VOH) - Người ta ví phụ nữ là những bông hoa đẹp tô điểm hương sắc cho đời, là phái yếu nên luôn cần một nơi nương tựa nhưng với những người phụ nữ mà chúng tôi có dịp trò chuyện "chân không yếu-taykhông mềm", dũng cảm vượt qua nghịch cảnh để đảm đương những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Click vào để nghe bài viết:

Chân không yếu ! 

Tìm gặp cô Lê Thị Hà, Phó ban bảo vệ của phường Cầu Kho - Quận 1, Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không như hình dung ban đầu về người phụ nữ có thành tích bắt cướp, ma túy, bảo vệ trật tự khu phố, trước mắt chúng tôi là một người khá nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi. Hỏi chuyện cô có sợ khi mỗi ngày phải đối mặt với những phần tử xấu, cô trả lời ngắn gọn và dứt khoát: "Không, có gì mà sợ, mình còn có dân và nhiều người tốt xung quanh mà!".

Tuy vậy, biết công việc nhiều rủi ro nên cô đã đăng ký hiến tạng cho y học, nếu chẳng may có chuyện gì thì cũng sẽ có người được cứu sống nhờ những bộ phận trên thân thể mình, nghe mà cảm động: "Giải quyêt tai nạn giao thông, đánh lộn, hòa giải, thời gian đầu cũng cảm thấy khó khăn. Mình nghĩ chỉ làm mấy tháng thôi nhưng sau thời gian, mình thấy trong này có tình cảm đồng đội rất cao" . Với tâm niệm "sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình", do vậy, chỉ mới 3 năm làm tổ viên mà cô Lê Thị Hà đã được bà con tin yêu bầu chọn trở thành tổ trưởng, quản lý một đội tới hơn 20 nam giới, đa phần đã vào tuổi "ông nội", "ông ngoại", ở nhà cũng có khi thét ra lửa với vợ con nên cô cũng phải suy nghĩ và làm sao để có thể dung hòa. Cô Hà tâm sự: "Thấy vậy thôi, chứ phụ nữ cũng được nhiều đặc quyền mà nam giới không có, chẳng hạn như nhận được sự cảm thông, chia sẻ, tin yêu nhiều hơn và nếu có kiếp sau cô vẫn ao ước mình là phụ nữ, dù ở thời điểm hiện tại, có đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng".

Một người đồng đội của cô, anh Ngô Phước Chánh đã chia sẻ về hình ảnh về cô Hà : "Tổ trưởng là một người nhiệt tình, trong đồng đội giúp đỡ rất nhiệt tình, anh em mà có gì sai sót cũng góp ý chân thành, người rất tốt. Anh em sao thì cô Hà như vậy, cũng trấn áp tội phạm có khi còn hơn nam giới".

Cũng như bao người phụ nữ khác, cô Lê Thị Hà lập gia đình và sinh được 2 người con gái, gia đình dù nghèo nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Cô cũng thổ lộ về cuộc sống hôn nhân của mình hết sức thẳng thắn, cũng có những cãi vả, bất đồng nhưng đã là phụ nữ thì cơm sôi phải bớt lửa. Những lúc ấy, cô thường cùng chú ra bờ sông để cho chồng nói hết những gì ấm ức xong rồi mới cùng nhau phân tích đúng sai, rồi cùng tìm ra cách hóa giải.

Cuộc sống cứ như vậy êm đềm trôi đi, cho đến một ngày, chú bị tai biến nằm liệt một chỗ, 15 năm ấy cô trở thành trụ cột gia đình, vừa làm cha vừa làm mẹ của hai cô con gái. Cô không từ nan một công việc nặng nhọc nào, từ rửa chén thuê cho đến bốc vác, ai kêu gì làm đó, miễn sao có tiền để lo cho con ăn học, thuốc men cho chồng. Thời gian sau, chú mất, cô ở vậy nuôi 2 con gái khôn lớn. Cô con gái lớn đã tốt nghiệp Đại học hiện đang làm việc ở phường Cầu Kho, còn con gái nhỏ đang học năm 3. Cả hai là niềm tự hào của cô.

Nữ công nhân Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV trong giờ giao ca (ảnh minh họa - Nguồn: Phucxuyen).

Tay không mềm

Nguyễn Thị Ngọc Thạch, tài xế taxi Vinasun -nhắc đến chị, các tài xế nhớ ngay đến gương mặt được vinh danh lái xe đạt danh hiệu doanh thu cao nhất toàn công ty năm 2012, còn năm 2013 là doanh thu cao nhất của chi nhánh Đồng Nai.

Chỉ mới bén duyên với nghề lái taxi gần 4 năm khi cuộc sống gia đình lâm vào cảnh bế tắc. Từ một người có cuộc sống đủ đầy, chị rơi vào hoàn cảnh nợ nần do làm ăn thua lỗ mất hết nhà cửa đất đai, bỗng chốc trở thành tay trắng. Chồng rất thương yêu vợ con nhưng sức khỏe yếu kém do làm việc lao lực khi còn trẻ, con thì còn nhỏ, có lúc túng quẫn, bức bách đến nỗi chị đã nghĩ đến tình huống xấu nhất dành cho mình nhưng một cánh cửa đã mở ra khi người bạn gợi ý chị đi học lái xe rồi giới thiệu vào hãng taxi. Chị kể, 1 tháng chị ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà, trời nắng hay mưa, sáng sớm hay đêm khuya khách gọi là chị đi ngay. Nhờ chịu thương chịu khó, chỉ 2 năm sau chị đã trả hết nợ nần còn dành được một số vốn dự định sẽ cất nhà ổn định.

Những chuyện buồn trên các cung đường chở khách thì cũng nhiều như: bị quỵt tiền hay sàm sỡ nhưng bù lại với chị cũng có vô số niềm vui, nhiều người mến taxi là nữ nên cũng hay hỏi han quan tâm giúp đỡ những lúc khó khăn: "Là tài xế nữ được ưu tiên hết đó ! Nói chung là hơn nam về mọi mặt. Khách hàng cũng cũng thích tài xế nữ vì chạy an toàn hơn, hỏi nhiều, thông cảm nhiều, nhiều khi dường đông mình muốn qua đường, tài xế nam họ thấy là họ sẽ nhường để mình quay đầu cho dễ hay những lúc mình bị bể bánh xe, mấy anh đi qua thấy cũng hỏi em ơi có cần giúp đỡ không nhưng thực ra thì mình muốn làm cho quen".

Tuy có cực nhọc nhưng tài xế taxi nữ cũng chưa vất vả bằng phụ nữ chạy xe ôm. Khi chúng tôi hỏi chuyện, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Phó chủ tịch Hội phụ nữ phường 3 Quận 10 kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ năng động của phường cười lớn: "Lo gì em ơi, đã năng động thì làm nghề gì mà không được, miễn lương thiện và giúp ích cho đời thì thôi": "Như chị vầy nè, hằng ngày đưa đón con cái đi học, có mấy chị cùng tuyến đường nhưng họ bận việc rồi họ nhờ, dần dà người này giới thiệu người kia, thấy vậy chứ cũng khó, vì người ta giao con cho mình cũng trách nhiệm lắm. Có nhiều chị làm vì miếng cơm manh áo luôn cực lắm, nắng đen thui à !".

Được biết, thành viên trong câu lạc bộ đa phần là phụ nữ đơn thân hoặc nuôi con nhỏ. Nhờ tham gia câu lạc bộ nhiều người cảm thấy ấm lòng hơn vì được cảm thông, chia sẻ với bạn đồng cảnh. Các chị không còn mặc cảm vì mình làm nghề xe ôm nữa mà rất tự hào vì nhờ nghề này mà các chị có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình, lại cho con ăn học đến nơi đến chốn.

Vậy đó, phụ nữ Việt nam từ ngày xưa đã được Bác Hồ trao 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Sâu thẳm trong tim của nhiều người đàn ông những người phụ nữ ấy thực sự là những bông hoa đầy hương sắc, "chân không yếu-tay không mềm"